Hàng ngày chúng ta xem TV, lướt net, đọc tạp chí, tham gia giao thông đều thấy nhan nhản những mẩu quảng cáo đủ các thể loại từ TVC, banner, bài PR, billboard, poster,… Nếu để ý, ta sẽ thấy điểm chung của các mẩu quảng cáo này là đang cố truyền thông điệp nào đó, nhằm tác động vào cảm xúc của khách hàng, nâng cáo tính nhận diện thương hiệu, từ đó hi vọng những khách hàng tiềm năng sẽ mua sản phẩm của mình nhưng khách hàng lại hoàn toàn không được nhìn tận mắt, sờ tận tay những sản phẩm này.
Việc thuyết phục khách hàng mua hàng ngày càng khó khăn hơn, tạo áp lực khiến giới marketing phải nghĩ ra các cánh thức tiếp cận mới. Ví dụ:
– Học thử và kiểm tra trình độ
tiếng Anh miễn phí
– Lái thử xe ô tô miễn phí và được nhận quà tặng
– Tặng dầu gội, mỹ phẩm dùng thử miễn phí
– Uống bia miễn phí, dùng thử cà phê miễn phí, hút thuốc lá loại mới miễn phí,…
– …
Có thể thấy, rất nhiều mặt hàng được các nhãn hàng cho không biếu không. Ta cũng chỉ lờ mờ đoán là họ làm vậy để dụ khách hàng mua hàng. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn thì sẽ thấy nhiều điều thú vị trong hoạt động đó – và nó được gọi là Marketing Trải nghiệm (Experience Marketing hay Experiential Marketing).
Experience Marketing
Có khá nhiều định nghĩa về marketing trải nghiệm, nhưng theo tôi – để hiểu cho đơn giản thì marketing trải nghiệm là quá trình mang lại cho khách hàng tiềm năng có được trải nghiệm trước khi mua sản phẩm/dịch vụ, từ đó mới thúc đẩy các chiêu thức bán hàng.
Ngày nay, việc áp dụng marketing trải nghiệm trở nên phổ biến và thông dụng tại nhiều công ty, đặc biệt là những công ty muốn tái đầu tư nhanh chóng. Bởi vì theo họ, việc thử nghiệm và tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm có thể tác động đến quyết định mua của khách hàng hơn nhiều lần so với việc quảng cáo sản phẩm trên báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông khác. Thậm chí, hiệu quả hơn cả qua lời giới thiệu của bạn bè và đồng nghiệp.
Trong một cuộc khảo sát về marketing trải nghiệm do Công ty Jack Morton Worldwide – (một trung tâm nghiên cứu về marketing trải nghiệm) tiến hành thời gian gần đây cho thấy: khoảng 3/4 số người tiêu dùng khi được hỏi về tác động của marketing trải nghiệm đã trả lời rằng, việc tham gia một sự kiện marketing trải nghiệm sống động sẽ làm tăng khả năng xem xét việc mua sản phẩm của họ. Gần 60% người tiêu dùng cho rằng nó sẽ tác động đến việc mua sản phẩm của họ nhanh chóng hơn.
Không chỉ hiệu quả trong việc thu hút các khách hàng tiềm năng, đối với nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, marketing trải nghiệm cũng có tác dụng rất lớn nếu sự kiện được tổ chức có hiệu quả và nhằm đúng đối tượng. Bất cứ địa điểm nào cũng có thể trở thành nơi diễn ra các hoạt động marketing trải nghiệm của bạn, ví dụ: các trung tâm thương mại lớn, hội chợ, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, hoặc thậm chí ngay trên một góc phố, bên trong công viên,… Song vấn đề quan trọng là địa điểm được lựa chọn phải có tác dụng hỗ trợ và phù hợp với hoạt động marketing trải nghiệm đó, cũng như khuyến khích và cổ vũ cho mối quan hệ tương tác giữa khách hàng và sản phẩm.
Sau đây là bốn lý do quan trọng để bạn áp dụng chiến thuật marketing trải nghiệm như là một phần trong chương trình marketing diễn ra hàng năm của bạn:
1. Kích thích việc mua hàng ngay lập tức
Các sự kiện marketing trải nghiệm kết hợp được tính giải trí với cơ hội thử nghiệm sản phẩm đang trở thành một xu hướng phổ biến. Ví dụ, một bữa tiệc sinh nhật bạn bè tại quán karaoke hay nhà hàng, có thể được bạn sử dụng như là một cơ hội cho khách hàng thử nghiệm loại rượu hay bia mới ra mắt với lý do đó là quà tặng mừng sinh nhật của nhà hàng. Đây là cái cớ để khách hàng thử những tính năng hữu ích của những sản phẩm, điều mà họ không thể có được khi mua chúng tại các cửa hàng và siêu thị.
Trong cuộc khảo sát của công ty Jack Morton, gần 85% phụ nữ đã nói rằng họ sẽ lôi kéo những thành viên trong gia đình hoặc bạn bè tham dự một cuộc marketing thử nghiệm sống động, 75% trong số họ cho biết sẽ kể với những người khác về sự kiện đó.
Chính các sự kiện cũng cho thấy sự khác nhau giữa marketing thử nghiệm và các dạng marketing truyền thống khác (ví dụ như phân phát các sản phẩm dùng thử miễn phí kèm theo phiếu dự thưởng hoặc quay sổ xố khi bạn mua sản phẩm đó) ở chỗ tạo ra sự hưng phấn và kích thích hành động mua của khách hàng ngay sau khi được thử nghiệm sản phẩm.
2. Marketing trải nghiệm có tác dụng lớn khi đưa một sản phẩm mới ra thị trường
Khi tung một sản phẩm mới ra thị trường, bạn có rất nhiều chi phí mà đối với một số sản phẩm con số này có thể lên tới hàng triệu đô la. Trong khi đó nếu bạn chỉ là một ông chủ doanh nghiệp nhỏ, ngân sách dành cho tiếp thị rất hạn hẹp, chắc chắn bạn sẽ phải tìm ra cách tiếp thị và quảng cáo hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Lúc này, marketing trải nghiệm là một trong những cách tiếp thị bạn nên lựa chọn. Ví dụ, bạn có thể tổ chức một bữa tiệc nhỏ trong một nhà hàng hoặc khách sạn và mời các đối tượng khách hàng tiềm năng đến dự tiệc và nghe giới thiệu về sản phẩm mới. Nếu một bữa tiệc vẫn chưa phù hợp với nhu cầu của bạn, bạn có thể trình diễn và thu hút khách hàng mục tiêu tham gia thử nghiệm sản phẩm tại một góc phố nhỏ, tại cổng trường học, hoặc tham dự một cuộc hội chợ triển lãm.
Tuy nhiên, khi tổ chức các sự kiện marketing trải nghiệm, bạn cần quan tâm đến đối tượng tham dự và địa điểm tổ chức. Nếu đối tượng tham dự không đúng độ tuổi, giới tính hoặc nhóm thu nhập mà bạn muốn nhắm tới, bạn sẽ không đạt được mục tiêu của mình. Cũng tương tự như vậy, nếu địa điểm tổ chức không phù hợp với các nhóm khách hàng mục tiêu và nội dung của sự kiện cũng rất dễ dẫn đến thất bại.
3. Giúp sản phẩm của bạn trở nên nổi bật
Có một số sản phẩm đòi hỏi phải có sự trải nghiệm trực tiếp mới khẳng định vị trí của mình trên thị trường. Ví dụ, một người phát minh ra một loại đồ chơi rất thú vị và vui mừng đưa sản phẩm của mình đến các cửa hàng để bán. Nhưng rất tiếc sau một thời gian, đồ chơi của anh ta vẫn nằm im trên các kệ bán hàng, chìm lẫn giữa hàng trăm nghìn sản phẩm khác. Điều này sẽ tiếp diễn mãi cho đến khi anh ta bắt đầu nghĩ đến việc áp dụng phương pháp marketing trải nghiệm với các buổi trình diễn sản phẩm và mời các em bé thử chơi món đồ do anh ta sản xuất.
Kết quả thật bất ngờ, sự kiện thu hút được rất nhiều trẻ em tham gia và sản phẩm trở nên bán chạy. Nguyên nhân là do hành động marketing này đã đánh trúng tâm lý trẻ em. Chúng muốn được nhìn tận mắt và được thoải mái chơi các sản phẩm mà trước đây chúng chỉ có thể đứng nhìn. Và đó cũng là lý do để chúng lựa chọn sản phẩm này, chứ không phải là sản phẩm cùng loại khác của các đối thủ cạnh tranh của bạn trên thị trường.
Song ngay cả những sản phẩm mới và hoàn toàn khác biệt cũng rất có lợi nếu bạn sử dụng các hoạt động marketing trải nghiệm tại các cuộc triển lãm hay trình diễn thương mại và tiêu dùng. Bời vì khách hàng được tận mắt chứng kiến sản phẩm ở thể “động”, chứ không phải ở thể “tĩnh” như lâu nay họ vẫn thường thấy.
4. Tạo ra một lực lượng tiếp thị không chính thức cho sản phẩm của bạn
Cũng giống như tiếng róc rách của một dòng suối, một sự trải nghiệm sản phẩm tích cực chắc chắn sẽ tạo ra những cơn sóng kế tiếp. Mặc dù, các sự kiện marketing trải nghiệm chỉ có thể diễn ra trực tiếp và có tác dụng trước một số lượng khách hàng không lớn, nhưng bạn có thể cộng thêm vào đó sự ảnh hưởng do những người tham gia sẽ kể lại với những khách hàng tiềm năng khác.
Cuộc khảo sát do Công ty Jack Morton tiến hành nói trên cũng cho thấy 80% những người đã tham gia vào một sự kiện marketing trải nghiệm sẽ kể về sự trải nghiệm của mình với nhiều người khác. Chính vì vậy, bạn không chỉ có được một sự tương tác hiệu quả với khách hàng và tạo ra sự trải nghiệm đáng nhớ đối với sản phẩm, mà bạn còn có thêm lợi ích từ sự truyền miệng về sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng khác nữa. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đã có được một lực lượng bán hàng không chính thức truyền bá những điều tốt đẹp về sản phẩm của bạn.