“Chúng tôi là một nhãn hàng địa phương, chúng tôi sinh ra ở Việt Nam, và thiếu những cái tiếp cận với sự thay đổi của thế giới. Đầu tiên khi nói về digital chúng tôi thực sự lo lắng.”
Từ chuyện "xách cặp" đi học digital của NutiFood
Tại Hội nghị Forbes Việt Nam 2018 với chủ đề Câu chuyện thương hiệu diễn ra tuần qua, ông Lê Quốc Việt, Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị, NutiFood nói về những thách thức một công ty tầm trung vừa ở Việt Nam như NutiFood gặp phải khi bắt đầu "thử sai" với nền tảng số từ 2 năm trước.
Câu chuyện xuất phát từ nhu cầu cần kết nối với người tiêu dùng: "Thương hiệu bây giờ phải vượt qua khỏi việc branding (xây dựng thương hiệu) để kiếm tiền thông thường, bây giờ phải nói về tình yêu, phải nói về con người, để connect (kết nối) với con người, làm cho người tiêu dùng của mình họ yêu thương mình. Tại vì nếu không thì giữ họ cũng khó lắm," ông Việt cho hay.
Đã xác định là mình muốn gì trong thời đại digital, nhưng NutiFood có nhiều băn khoăn trước khi bắt đầu. Ông Việt nói: "Chúng tôi là một nhãn hàng địa phương, chúng tôi sinh ra ở Việt Nam, và chúng tôi thiếu những cái tiếp cận với sự thay đổi của thế giới. Đầu tiên khi nói về digital chúng tôi thực sự lo lắng."
Trong khi "đối thủ họ làm rất hay về digital", thì theo ông Việt, đội ngũ NutiFood lo lắng vì "thấy sao digital có nhiều thuật ngữ khó hiểu quá, nhiều công cụ quá không biết làm sao theo kịp."
"Agency (tên thường gọi của công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo, truyền thông - pv) đến nói một hồi, thì thấy một là agency làm luôn, hai là mình phải xách cặp để đi học," ông Lê Quốc Việt kể lại.
Khi thấy "đã đến lúc cần phải thay đổi thực sự," sự chuyển mình đầu tiên của NutiFood là đội ngũ: "Chúng tôi có mời một đơn vị của Anh, họ đánh giá năng lực của đội ngũ chúng tôi, rằng chúng tôi ở đâu trong việc hiểu biết digital".
"Chúng tôi xác định là sẽ chuyển gần hẳn qua digital marketing. Điều này cần đội ngũ. Chúng tôi xác định là cần ai, như thế nào, có năng lực nào, làm thế nào", ông Việt nói thêm. Sau đó là nhờ đến các đối tác. "Chúng tôi kết hợp với những chuyên gia, những nhà tư vấn", theo ông Việt, trong thời gian làm việc với Google đã được đơn vị này đào tạo cho đội ngũ NutiFood về digital.
"Họ (Google, Facebook - PV) muốn bán hàng cho mình mà. Nên họ sẽ dạy mình đủ thứ hết", ông Việt chia sẻ. Ông Việt cho hay trong 2 năm qua, công ty đã xây dựng một ứng dụng để kết nối với khách hàng. Nền tảng số còn giúp công ty trong việc tìm kiếm các khách hàng mới và truyền tải thông điệp đến từng nhóm người tiêu dùng khác nhau.
Ngoài ra, nền tảng số còn giúp công ty có được hẳn 1,5 triệu dữ liệu người dùng. Ông Lê Quốc Việt kể: "Chúng tôi kết hợp với chính phủ làm một web, xây một cái app gọi là nâng tầm vóc Việt Nam. Và triển khai toàn bộ các trường học ở TPHCM, Đồng Nai, cân đong đo đếm (cho học sinh – PV) về chỉ số về dinh dưỡng. Mỗi người sẽ điền hết thông tin vào, sau đó qua 1, 2 tháng thì sẽ cập nhật. Đây cơ sở để chúng tôi kết nối thêm với người dùng".
Đến chuyện làm thương hiệu trên nền tảng số của doanh nghiệp Việt
Trên thực tế, digital hay digital marketing không phải là những từ khóa mới ở Việt Nam. Các doanh nghiệp ngày càng năng động và quyết liệt hơn trong việc xây dựng thương hiệu, tiếp thị trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, câu chuyện của NutiFood cho thấy có nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang ở bước đầu trên chặng đường chuyển đổi số.
Bà Melissa Nguyễn, Giám đốc Marketing Solution Google Việt Nam xác nhận điều này tại phiên thảo luận của hội nghị: "Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam rất chuộng kỹ thuật số. Nhưng nhiều công ty thì không như vậy."
Theo bà, có 2 yếu tố các thương hiệu cần thay đổi để thích ứng, phát triển trong hành trình xây dựng thương hiệu là: dữ liệu và cách tương tác với khách hàng.
Về dữ liệu, ông Nguyễn Hải Triều – CEO YouNet Media cho biết dữ liệu giúp thương hiệu hiểu khách hàng sâu sắc. Hơn nữa, các dữ liệu trên môi trường số được cập nhật liên tục giúp nhãn hàng hiểu một cách liên tục, kịp thời cập nhật và đáp ứng với những mối quan tâm của khách hàng.
Còn về cách tương tác với người tiêu dùng, bà Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành, Isobar Vietnam nhận định: "Càng ngày người dùng càng đòi hỏi sự tương tác nhiều hơn, không còn là một thương hiệu nói với một đám đông mà ở mức độ lớn hơn, ở cấp độ sâu hơn là ở từng người". Giám đốc điều hành Isobar Việt Nam nhấn mạnh về "độ tinh tế trong thiết kế trải nghiệm với khách hàng, cho dù đó là ở một chiến dịch hay là tổng thể trải nghiệm".
Việc chuyển đổi số có thể giúp thương hiệu đạt được những thành quả không thể xem nhẹ. Bà Melissa Nguyễn nêu dẫn chứng về sự trở lại thành công của Biti’s – thương hiệu giày dép lâu năm đã chuyển đổi hoàn toàn định vị thương hiệu, tiếp cận với thế hệ trẻ bằng cách sử dụng các chiến dịch gây tiếng vang trên nền tảng digital.
Một thương hiệu khác là The Coffee House gây dấu ấn bằng nhiều chiến dịch quảng bá sản phẩm, không gian cà phế một cách dí dỏm thân thiện trên mạng xã hội, hay thương hiệu giày mới xuất hiện Juno đã nổi lên từ sự kiện khuyến mãi trực tuyến Black Friday vào năm 2016, theo Forbes Việt Nam.
Cũng theo Forbes, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để triển khai các chiến dịch truyền thông và thương hiệu trên nền tảng kỹ thuật số, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu dành một phần ngân sách cho việc này. Và các doanh nghiệp hình thành cùng các làn sóng công nghệ gần đây sẽ nhanh nhạy hơn trong quá trình này.
Còn với một công ty truyền thống cũng không đứng ngoài xu hướng như NutiFood, theo ông Lê Quốc Việt, mục tiêu ngân sách marketing trên digital sẽ chiếm 40% chi phí marketing của công ty trong vòng 5 năm tới, thay vì 10% như hiện tại.