Tại sao 7 Eleven thất bại nặng nề ở Indonesia?

04/07/2017    702    4.67/5 trong 6 lượt 
 Tại sao 7 Eleven thất bại nặng nề ở Indonesia?
Để cạnh tranh tại thị trường Indonesia với mạng lưới các cửa hàng bán lẻ nội địa đã phát triển quá vững chắc và hưởng nhiều ưu đãi từ chính phủ không phải việc dễ dàng.
Cuối tháng Sáu năm 2017, Modern International, công ty mẹ hiện đang quản lý chuỗi cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia, công bố thông tin gây sốc. Theo đó, Modern International sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven trước thời điểm ngày 30/6 bởi chi phí hoạt động tăng quá cao.
 
Quyết định này có lẽ là lựa chọn bất khả kháng của Modern International bởi trước đó, hãng đã nhiều lần cố gắng bán bộ phận kinh doanh cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cho một tập đoàn Thái Lan.
 
Sau nhiều thất bại đã được thị trường dự báo trước, cổ phiếu của Modern International liên tục sụt giảm xuống những mức đáy chưa từng thấy trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này. Giá trị vốn hóa thị trường của Modern International hiện được ước tính khoảng 228 tỷ rupiah.
 
Cuối cùng 7-Eleven tại Indonesia đã có một cái kết rất đáng tiếc sau quãng thời gian người ta từng kỳ vọng vào sự đột phá của 7-Eleven tại đất nước của một trong những thị trường tiêu dùng lớn và năng động nhất châu Á.
 
 
Đã có lúc người dân Indonesia yêu thích 7-Eleven như thế này. Nguồn: Reuters.
 
Việc 7-Eleven phải đóng cửa chuỗi cửa hàng tại Indonesia, một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất châu Á, có thể gây ngạc nhiên với nhiều người nhưng không khiến nhiều người dân địa phương choáng váng.
 
Bởi theo các cuộc phỏng vấn được thực hiện với người địa phương, họ cho biết khoảng 2 năm gần đây họ luôn nhìn thấy các cửa hàng của 7-Eleven đông khách nhưng khách đến đây không mua sắm gì.
 
Nhiều người trẻ mang laptop đến đây ngồi nhiều giờ liền và chỉ mua những thứ đồ ăn thức uống giá rẻ cho có. Và đáng tiếc, thói quen sử dụng cửa hàng tiện lợi như vậy đã góp phần giết 7-Eleven.
 
Tại Indonesia, từ trước khi 7-Eleven vào thị trường này đã có sự hiện diện rất mạnh mẽ của chuỗi cửa hàng tiện lợi Alfamart và Indomaret tại khắp các khu vực nông thôn cũng như thành thị, ngoài ra, hoạt động kinh doanh trên đường phố cũng vô cùng phát triển.
 
Gia nhập thị trường Indonesia từ năm 2009, 7-Eleven đã có những khoảng thời gian vô cùng thành công. Khởi đầu vào năm 2009 với 20 cửa hàng tiện lợi đến cuối năm 2012, 7-Eleven đã có 69 cửa hàng. Mạng lưới của 7-Eleven vươn lên vị trí thứ 4 trong ngành hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Indonesia, chỉ sau McDonald’s, Dunkin’ Donuts và KFC.
 
Lợi nhuận của toàn bộ chuỗi cửa hàng 7-Eleven năm sau liên tục cao hơn từ 2 đến 3 lần so với năm trước. Năm 2011, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven có doanh thu 320 tỷ rupiah tương đương 35 triệu USD, lợi nhuận ròng năm 2011 tăng gấp 5 lần so với năm 2010.
 
Ở thời điểm đó, theo lý giải của nhiều chuyên gia ngành bán lẻ Indonesia, 7-Eleven đã thành công nhanh tại Indonesia bởi họ định vị mình thành một nơi giải trí cho giới trẻ chứ không chỉ đơn thuần là một cửa hàng tiện lợi thỏa mãn nhu cầu ăn uống mua sắm thông thường.
 
 
Ảnh: The New York Times.
 
Thành công của 7-Eleven tại Indonesia trong giai đoạn 2009 đến 2014 đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp Nhật khác cũng đang kinh doanh các cửa hàng tiện lợi. Tiếp nối 7-Eleven, Lawson và Family Mart lần lượt gia nhập thị trường Indonesia vào năm 2011 và năm 2015.
 
 
Năm 2014, 7-Eleven Indonesia có kỷ lục doanh thu đạt 971,77 tỷ rupiah. Năm 2015 có thể nhắc đến trong lịch sử của 7-Eleven Indonesia như năm đỉnh cao về mở rộng hệ thống bởi khi đó mạng lưới của 7-Eleven chính thức có 187 cửa hàng tại nước này.
 
Tuy nhiên khi những sự yêu thích qua đi, và đặc biệt từ giữa năm 2015 khi chính phủ Indonesia áp dụng lệnh cấm các sản phẩm đồ uống có cồn tại chuỗi cửa hàng nhỏ, tình hình kinh doanh của 7-Eleven tụt dốc thảm hại.
 
Chuyên gia phân tích về thị trường tại công ty chứng khoán Bina Artha Securities ở Jakarta, bà Reza Priyambada, chỉ ra: “Doanh thu của 7-Eleven bắt đầu rơi vào tình trạng không thể đủ để bù đắp chi phí hoạt động như điện, nước, wifi, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ.”
 
Ban đầu, hai chuỗi cửa hàng tiện lợi địa phương Alfamart và Indomaret phản ứng khá dè dặt với thành công của 7-Eleven. Hoạt động tại Indonesia từ rất lâu trước khi 7-Eleven tiến vào thị trường, hai chuỗi này tập trung chủ yếu vào bán đồ thực phẩm tươi sống chứ không quá quan tâm đến đồ ăn sẵn hay các sản phẩm đồ uống có cồn.
 
Để ứng phó với 7-Eleven, Alfamart ký kết thỏa thuận hợp tác với Lawson còn Indomaret nỗ lực làm mới bằng việc mở ra thêm các cửa hàng tiện lợi mang tên Indomaret Point. Cùng lúc đó, sự gia nhập quyết liệt của Family Mart và Ministop vào thị trường Indonesia cũng khiến hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng tiện lợi Indonesia trở nên khó khăn hơn. Với cùng quy mô dân số như vậy nhưng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ gần như giống nhau tăng quá nhanh trong thời gian ngắn.
 
 
Ảnh: The New York Times.
 
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động tại Indonesia, 7-Eleven cũng gặp khó với khá nhiều vấn đề về giấy tờ, thủ tục, từ giấy phép bán một số loại mặt hàng đồ ăn thức uống cho đến năm 2015 là giấy phép bán các sản phẩm đồ uống có cồn.
 
Năm 2015, trong khi 7-Eleven ráo riết mở rộng hệ thống, chi phí tăng cao thì cùng lúc đó lệnh cấm bán các sản phẩm đồ uống có cồn khiến doanh thu của 7-Eleven Indonesia sụt giảm nghiêm trọng.
 
Hai chuỗi cửa hàng tiện lợi địa phương bao gồm Alfamart và Indomaret trong khi đó lại phát triển mạnh bởi vừa cung cấp dịch vụ gần như tương đương với 7-Eleven, họ lại được cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác như thanh toán hóa đơn hay đặt vé máy bay, tour du lịch. Theo tính toán của công ty chứng khoán Nomura Holdings, mảng dịch vụ thanh toán và du lịch đóng góp ngày một nhiều vào doanh thu của Alfamart và Indomaret.
 
Từ đầu năm 2016 đến nay, 7-Eleven không ngừng phải đóng cửa cửa hàng bởi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Riêng trong năm 2016, doanh thu giảm 23,9% xuống 675,28 tỷ rupiah. Năm 2016, 7-Eleven đóng cửa 21 cửa hàng, đầu năm nay, 7-Eleven đóng cửa thêm 30 cửa hàng khác.
 
Và khó khăn không chỉ của riêng 7-Eleven, Ministop với tham vọng mở 300 cửa hàng tại Indonesia nay chỉ có 10 cửa hàng kinh doanh không mấy hiệu quả. Tập đoàn bán lẻ Hero Supermarket của Hồng Kông cũng đã phải bán lại chuỗi cửa hàng của mình sau khi kinh doanh không hiệu quả.
 
Sau những sự hồ hởi ban đầu, Family Marts cũng không thành công bởi hãng từng tham vọng mở được 300 cửa hàng trước năm 2015 nhưng nay khi đã hai năm trôi qua so với mốc thời gian dự định, Family Marts chỉ có 59 cửa hàng.
 
Rõ ràng, để cạnh tranh tại thị trường Indonesia với mạng lưới các cửa hàng bán lẻ nội địa đã phát triển quá vững chắc và hưởng nhiều ưu đãi từ chính phủ không phải việc dễ dàng, dù đó có là 7-Eleven hay Family Marts với tiềm lực tài chính mạnh và quá nhiều kinh nghiệm hoạt động.
 
brandsvietnam.com

Liên kết: Mixer, Mua bán tự động

Bình luận