Zara và HM đại náo thời trang Việt

16/09/2017    729    4.6/5 trong 5 lượt 
  Zara và HM đại náo thời trang Việt
Khi mà các nhãn hiệu thời trang trong nước đang gồng mình tìm cách chiếm lĩnh thị trường gần 100 triệu dân, thì sự xuất hiện của các thương hiệu thời trang quốc tế như Zara, H&M sẽ tiếp tục làm lu mờ những thương hiệu nội.

Thời trang nhanh

 
Gần một năm trước đây, khi hãng thời trang Zara chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, hàng nghìn người đã sẵn sàng xếp hàng dài chờ tới lượt được vào mua trong cửa hàng. Một cảnh tượng giống như Starbucks hay McDonald’s xuất hiện ở Việt Nam mấy năm trước. Ở một quốc gia xuất khẩu hàng dệt may thuộc hàng đầu thế giới, và các thương hiệu thời trang trong nước cũng không phải là hiếm, thì những cảnh xếp hàng dài kể trên cho thấy rằng Việt Nam vẫn sẽ là một thị trường béo bở cho các thương hiệu thời trang quốc tế.
 
“Ở những thị trường khác tôi đã gặp khá nhiều khách hàng Việt Nam đến mua sắm ở các cửa hàng H&M, do vậy chúng tôi khá tự tin rằng chúng tôi có thể trở thành mục tiêu mua sắm hàng đầu của người tiêu dùng. Chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, nhưng lại có mức giá tốt nhất,” ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, giải thích vì sao H&M quyết định vào thị trường Việt Nam trong thời điểm này.
 
Đúng như ông Fredrik nói, H&M đã ngay lập tức tạo ra sức hút lớn với các tín đồ thời trang ở Việt Nam, giống như Zara đã tạo ra trong gần một năm qua. Trên thị trường quốc tế, cả Zara và H&M đều được xếp vào dạng thời trang nhanh. Lợi thế của các hãng thời trang này là sản xuất hàng loạt các sản phẩm quần áo ở phân khúc bình dân và bán với mức giá tầm trung.
 
Với tốc độ tăng trưởng khoảng 15% của thị trường thời trang, ông Phạm Thanh Bình, Trưởng bộ phận bán lẻ tại Cty tư vấn và quản lý bất động sản Savills Việt Nam, nhận định rằng thời trang nhanh sẽ là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam những năm tới. Ước tính cho tới nay đã có khoảng 200 thương hiệu thời trang nhanh nước ngoài xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Và sắp tới thị trường có thể còn đón nhận thêm sự góp mặt của các thương hiệu như Uniqlo hay Forever21. Theo ông Bình, bước đột phá đầy ấn tượng của thị trường xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân bị dồn nén, và sự thỏa mãn nhỏ giọt từ hàng xách tay.
 

Tấn công nhanh

 
Tốc độ mở rộng của các thương hiệu thời trang nhanh nước ngoài ở Việt Nam càng nhanh bao nhiêu, thì rào cản mà các thương hiệu này xây lên đối với các thương hiệu thời trang trong nước càng cao bấy nhiêu. Quay trở lại câu chuyện xếp hàng chờ tới lượt vào cửa hàng H&M và Zara tại TP HCM, các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng thương hiệu quốc tế, cộng với giá cả phải chăng được xem là bí quyết thành công của những thương hiệu thời trang nhanh.
 
Thực tế thì không chỉ các DN thời trang ngoại mới nhìn thấy tiềm năng ở Việt Nam. Sau nhiều năm đóng vai trò là người làm gia công, nhiều DN Việt đã nỗ lực khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường thời trang trong nước và cũng phần nào khẳng định được uy tín. Trong đó phải kể đến những cái tên như Winny, Vera, Owen, Mattana, May 10, Cafina và Blue Exchange. Tuy nhiên, đó là khi các thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng như Zara, H&M và Uniqlo chưa vào Việt Nam. Khi thị trường đón nhận sự có mặt chính thức của các thương hiệu này, người tiêu dùng sẽ có xu hướng nghiêng về các thương hiệu quốc tế. Lại một lần nữa, hàng ngàn người hào hứng xếp hàng chờ tới lượt vào cửa hàng H&M và Zara đã nói lên điều đó. “Hiện tại chiến lược giá là chiến lược vẫn là chiến lược thành công của họ”, ông Bình đưa ra nhận xét lý giải về thành công của các thương hiệu thời trang ngoại ở Việt Nam.
 
Ví dụ như Zara, hãng thời trang này đã áp dụng một chính sách giá đặc biệt cho sản phẩm của hãng tại Việt Nam, thấp hơn các nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Singapore… từ 15 - 20%, với những mã hàng chọn lọc. Nhờ đó, Zara Việt Nam có doanh thu thuộc top 5 cửa hàng toàn cầu của hãng. Tại Việt Nam, giá thành của H&M cũng được dự đoán sẽ thấp hơn Zara và mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất cũng thể hiện trong tiêu chí chọn mặt bằng bán lẻ với diện tích từ 2.000 – 3.000 m2 của hãng. Với chiến lược giá hợp lý và thương hiệu vượt trội, các hãng thời trang nhanh quốc tế chắc chắn sẽ là rào cản rất lớn với các thương hiệu thời trang trong nước.
enternews.vn

Liên kết: Mixer, Mua bán tự động

Bình luận