Trong 7 tháng đầu năm nay, du lịch Việt Nam (DLVN) đã đón 7,25 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch là gần 307.000 tỉ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2016.
Đạt được kết quả này một phần quan trọng là nhờ vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tích cực trong thời gian qua bằng các hình thức tham gia hội chợ quốc tế, tổ chức roadshow tại nước ngoài, xúc tiến du lịch thông qua nhiều sự kiện và Năm Du lịch quốc gia…
“Một trong những điểm mới trong hoạt động xúc tiến du lịch là sử dụng phương tiện truyền thông để quảng bá, e-marketing. Điều này đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Vì vậy Tổng Cục Du lịch (TCDL) sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động này bằng những nội dung đổi mới” - Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu - cho biết tại Hội nghị Xúc tiến Du lịch năm 2017 vừa tổ chức tại Hà Nội.
Trong 7 tháng đầu năm nay, du lịch Việt Nam đã đón 7,25 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: Internet
Trao đổi với báo Lao động, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng giám đốc Saigontourist - thẳng thắn nhìn nhận, “ngoài việc nghiên cứu thị trường một cách bài bản thì vai trò của TDCL đặc biệt quan trọng trong việc định hướng nhóm thị trường, để từ đó có cơ sở dữ liệu về thị trường mục tiêu mới có thể đẩy mạnh xúc tiến DLVN trong thời gian tới…”.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khó khăn lớn đối với hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch là kinh phí xúc tiến du lịch Nhà nước cấp gần như không tăng, thậm chí còn giảm. Hiện ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD/năm, thấp nhất trong các nước ASEAN. Trong khi mỗi năm In-đô-nê-xi-a chi 200 triệu USD cho công tác quảng bá xúc tiến, thu về hơn 10 triệu lượt khách quốc tế; Thái Lan chi gần 70 triệu USD và thu về hơn 30 triệu lượt khách... Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề xuất, với 2 triệu USD, Việt Nam mới chỉ “dạo chơi” với quảng bá, xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó còn rào cản là việc chậm giải ngân.
Do đó, muốn xúc tiến du lịch phải có bộ máy chuyên nghiệp. Nên tái lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, từ đó xác định quỹ xúc tiến là chỉ chi cho xúc tiến, người làm được quyết định sử dụng như thế nào và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, báo QĐND đưa tin.
Ông Hoàng Nhân Chính - đại diện Hội đồng tư vấn du lịch TAB cho biết thêm, các thành viên TAB đều đồng thuận đóng góp cho Quỹ dự kiến lên đến 40 tỉ đồng và nguồn kinh phí này sẽ tập trung vào một số thị trường trọng điểm.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định, việc đề xuất thành lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc Trung tâm Xúc tiến du lịch quốc gia trên cơ sở của Vụ Thị trường hiện nay sẽ khắc phục tối đa những bất cập cố hữu lâu nay trong xúc tiến du lịch.