10 bước tạo chiến dịch Influencer Marketing đậm chất

23/05/2019    947    4.67/5 trong 6 lượt 
10 bước tạo chiến dịch Influencer Marketing đậm chất
Số lượng người dùng phương tiện truyền thông ngày càng bùng nổ và các nền tảng như Facebook, Instagram, và YouTube đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình cách chúng ta dành thời gian sử dụng mạng xã hội, giao tiếp tương tác, thu thập thông tin, và ra quyết định.
Mặt khác, sự phát triển của social media chính là tiền đề để Influencer Marketing (tiếp thị ảnh hưởng) trở thành phương thức quảng cáo hiệu quả nhất và tăng trưởng nhanh nhất của nhãn hàng.
 
Nhưng làm thế nào để nhanh chóng tạo được chiến dịch Influencer Marketing một cách tối ưu nhất? Đây có lẽ là câu hỏi cơ bản nhất nhưng cũng là nền móng quan trọng nhất trong việc khởi tạo chiến dịch “chiếm trọn trái tim” của khách hàng mục tiêu của bạn.
 
Cùng  điểm lại quy trình 10 bước cho một chiến dịch Influencer Marketing ấn tượng ngay tại đây nhé.
 

1. Thiết lập KPIs, ngân sách, và khách hàng mục tiêu

 
Bước đầu tiên trong việc phát triển chiến lược Influencer Marketing là thiết lập ngân sách, xác định đối tượng mục tiêu và thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPIs) có ảnh hưởng tới thành công của chiến dịch.
 
KPI điển hình bao gồm độ phủ (audience reach), số lần hiển thị (impressions), lượt xem (views), lượt tương tác (engagement), tỷ lệ nhấp chuột (click through rate), tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate), doanh số, và còn nhiều mục tiêu khác.
 
Khi thiết lập ngân sách, cần chú ý rằng chi phí chiến dịch thường tỷ lệ thuận với độ phủ của influencer (người có ảnh hưởng).
 
Ngoài ra, thương hiệu cần vẽ hoàn chỉnh bức tranh về đối tượng khách hàng mục tiêu mà chiến dịch nhắm tới, để từ đó định hướng được kế hoạch nội dung, cách thức và kênh truyền thông, cũng như lựa chọn influencer phù hợp.
 

2. Xác định kênh truyền thông xã hội cho một chiến dịch hiệu quả

 
Để đảm bảo cho một chiến dịch thành công, thương hiệu cần xác định nền tảng social media mà đối tượng mục tiêu sử dụng nhiều nhất. Các nền tảng khác nhau được sử dụng/ưa thích bởi người dùng với các nhân khẩu học khác nhau, nên việc sử dụng nền tảng social media phù hợp là rất quan trọng để nhắm mục tiêu vào một nhóm khách hàng cụ thể. Ngoài ra, các nền tảng khác nhau cũng dẫn tới các loại tương tác khác nhau, và do đó ảnh hưởng đến kết quả tương tác mong muốn và là điều tối quan trọng đối với thành công của bất kỳ chiến dịch nào.
 
Theo một số báo cáo, với khoảng 2 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn thế giới, Facebook hiện nay vẫn là kênh truyền thông xã hội có ảnh hưởng nhất với 19% quyết định mua hàng bị tác động bởi nền tảng này. Theo sau Facebook chính là YouTube với 18% sử dụng Influencer Marketing. Nền tảng này được xem là phù hợp hơn với mục tiêu dài hạn và mang tính chuyên nghiệp hơn, đặc biệt đối với nội dung video. Bên cạnh đó, các nền tảng khác như Instagram, TikTok… được dự báo sẽ là vùng đất màu mỡ để các thương hiệu khai thác và thực hiện chiến dịch Influencer Marketing. Chính vì thế, nhãn hàng thường có xu hướng kết hợp nhiều kênh truyền thông để tăng độ phủ và tối ưu hiệu quả cho chiến dịch của mình.
 

3. Xác định lịch ra mắt hợp lý cho chiến dịch

 
Lịch trình lên sóng cho các chiến dịch Influencer Marketing nên được linh hoạt thay vì cố định vào một ngày cụ thể hay thời điểm cụ thể trong ngày. Để các chiến dịch đạt được hiệu quả tối ưu, lịch trình lên sóng nên có sự phối hợp hài hòa giữa các nền tảng truyền thông và phù hợp với các ngày quan trọng hoặc với các hoạt động tiếp thị, chiến dịch khác.
 
Ngoài ra, thương hiệu cũng cần chú ý đến insights (sự thật ngầm hiểu) của đối tượng mục tiêu trong chiến dịch. Họ thường tương tác với influencer khoảng thời gian nào, trên kênh truyền thông nào chính là một trong những tiêu chí để lên lịch cho chiến dịch một cách phù hợp hơn.
 

4. Chọn mặt gửi vàng – Chọn influencer đồng hành cùng chiến dịch

 
Việc lựa chọn các influencer phù hợp và mang đến hiệu quả luôn là nỗi trăn trở của các thương hiệu và cũng là một trong những bước tốn nhiều thời gian nhất. Vì thế, nhãn hàng nên lập ra những tiêu chí chính để việc chọn mặt gửi vàng trở nên dễ dàng và tối ưu hơn.
 
Một trong những tiêu chí cần cân nhắc đầu tiên là tiếng nói của influencer có tương ứng với thông điệp thương hiệu để đảm bảo nội dung truyền tải chân thực và gây được tiếng vang tới cộng đồng khán giả mục tiêu đang nhắm tới. Bên cạnh đó, nhãn hàng nên xem xét lượt theo dõi cũng như mức độ tương tác giữa influencer và khán giả của họ trên tất cả các nền tảng truyền thông. Việc xem lại sự hiệu quả của những chiến dịch trong quá khứ mà influencer đã tham gia cũng là một cách mà nhiều nhãn hàng đang áp dụng để đưa ra quyết định cho chiến dịch sắp tới.
 
Ngoài ra, thương hiệu nên đào sâu vào cộng đồng khán giả của influencer để nắm được họ là ai, độ tuổi nào, nơi ở, và sở thích… Tất cả những thông tin quý báu này bạn có thể hoàn toàn tiếp cận thông qua lượng database dồi dào từ các agency về influencer marketing hoặc có thể trực tiếp khám phá thông qua ứng dụng Influencer Discovery – ứng dụng miễn phí với tất tần tật thông tin về thế giới các influencer – vừa mới ra mắt.
 

4. Tạo brief và thúc đẩy cho quá trình sáng tạo nội dung

 
Tạo brief chắc chắn là bước không thể thiếu trước chiến dịch. Một bản brief hoàn chỉnh bao gồm yêu cầu chiến dịch, thông điệp muốn truyền tải, ý tưởng sáng tạo, và mục tiêu tổng thể. Trước đó, nhãn hàng phải tìm được insights của khách hàng mục tiêu, rồi mới xác định được thông điệp và ý tưởng tốt cho chiến dịch.
 
Trong quá trình lên chiến lược nội dung, thương hiệu cũng cần chú ý đến xu hướng mới nhất, những điều mà đối tượng mục tiêu đang quan tâm. Nhãn hàng có thể sử dụng các công cụ lắng nghe trên mạng xã hội, đặt thông báo cho các từ khoá liên quan đến thương hiệu (Google Alerts), hay nghiên cứu cả hashtag… để đưa ra thông điệp phù hợp và sáng tạo nội dung.
 
Thương hiệu có thể cho phép influencer tự do sáng tạo nội dung theo phong cách của họ mà vẫn đảm bảo yêu cầu và mục tiêu chiến dịch. Như vậy, nội dung sẽ mang tính chân thực hơn, dễ dàng tiếp cận tập khán giả của họ và mang lại hiệu ứng như mong đợi. Ngược lại, nếu nội dung truyền thông “sặc mùi” quảng cáo, cứng nhắc về kịch bản, và sai lệch với phong cách của influencer thì thất bại là điều tất yếu, hay thậm chí có thể gây ra những phản hồi tiêu cực từ chính khán giả của họ.
 

5. Đàm phán và hoàn thiện hợp đồng với influencer

 
Trước khi triển khai một chiến dịch Influencer Marketing, việc đàm phán giữa nhãn hiệu và influencer về những quy định hợp đồng là vô cùng cần thiết. Hợp đồng này bao gồm một thỏa thuận pháp lý về bồi thường và phân chia vai trò của mỗi bên trong toàn bộ chiến dịch (liên quan đến tất cả các khía cạnh trong nội dung được influencer tạo ra), lịch trình các bài đăng, và những quyền cấp phép cho bất cứ nội dung tài trợ được tạo ra trong suốt thời gian chiến dịch.
 

6. Đánh giá nội dung trước khi chiến dịch lên sóng

 
Để đảm bảo tất cả nội dung của influencer đúng theo kế hoạch, và có thể phủ sóng các kênh truyền thông, thương hiệu nên duyệt tất cả các bài đăng, hình ảnh, hay video trước khi chúng được lên sóng. Ngoài ra, nhãn hiệu có thể lập một lịch trình cụ thể để có thể đánh giá lại toàn bộ nội dung và sẵn sàng cho việc thay đổi nội dung nếu cần thiết.
 

7. Lên sóng chiến dịch

 
Vai trò của việc giám sát toàn bộ quá trình truyền tải thông điệp đến với công chúng là tối quan trọng với bất kỳ chiến dịch nào. Vì thế, trong suốt quá trình từ lúc influencer cho lên sóng các bài đăng theo lịch trình, thương hiệu cần theo dõi chặt chẽ tiến độ, theo dõi độ phủ sóng, mức độ tương tác và phản ứng của khán giả để có những biện pháp xử lý kịp thời nếu cần thiết.
 

8. Tối ưu hóa nội dung và hiệu quả chiến dịch

 
Việc thương hiệu đẩy mạnh nội dung ngay cả trước và sau khi lên sóng chiến dịch để tiếp cận tới cộng đồng khán giả rộng lớn của influencer chính là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của một chiến dịch. Nhãn hàng có thể kết hợp với influencer tạo ra những minigame, giveaway sản phẩm, hay các cuộc thi ảnh, thi viết, tăng cường sự tương tác với người hâm mộ và đặc biệt khuyến khích kêu gọi hành động (CTA) qua mỗi nội dung, kèm theo những thông tin liên quan như link bài PR, link website để chiến dịch lan tỏa rộng hơn. Ngoài ra, nhãn hàng có thể tận dụng nhiều kênh social media của chính mình và của cá nhân influencer để tăng độ phủ sóng và tạo được hiệu ứng mạnh thu hút khách hàng tiềm năng.
 

9. Phân tích và báo cáo kết quả chiến dịch

 
Có thể nói, đo lường và đánh giá kết quả luôn là bước cuối cùng nhưng đặc biệt quan trọng của bất kỳ chiến dịch nào. Một số KPIs cần được theo dõi như độ phủ (audience reach), số lần hiển thị (impressions), lượt xem (views), tỷ lệ tương tác (engagement rates), và tỷ lệ nhấp chuột (click through rate). Bên cạnh những số liệu này, thương hiệu thậm chí còn có thể chụp lại màn hình những tương tác của khán giả trên các kênh truyền thông, để đánh giá được toàn diện những cảm xúc cũng như phản hồi trực tiếp từ họ.
 
Bên cạnh đó, việc so sánh các thông số về lượt tương tác (gồm likes, comments,…) của các video và bài post của influencer với các chỉ tiêu về KPIs trước chiến dịch giúp cho thương hiệu có một cái nhìn rõ nét về kết quả và đánh giá được hiệu quả, từ đó có kế hoạch điều chỉnh cho những chiến dịch, cũng như phân bổ chi phí và lựa chọn influencer trong tương lai.
 
Tạm kết
 
Sự phát triển mạnh mẽ của Influencer Marketing cùng những lợi ích của phương thức quảng cáo này đã ngày một thay đổi cục diện ngành tiếp thị cũng như cách thức các thương hiệu quảng bá sản phẩm và dịch vụ. Vậy nên, việc hiểu rõ quy trình, cách thức thực hiện được xem là tiền đề để khởi tạo thành công một chiến dịch Influencer Marketing. Ngày nay, nhiều thương hiệu đã sẵn sàng bắt tay với các agency chuyên về Influencer Marketing để 10 bước quy trình đầy phức tạp kia trở nên gọn nhẹ hơn.
Theo advertisingvietnam

Liên kết: Mixer, Mua bán tự động

Bình luận