Apple cho biết, doanh thu tại Trung Quốc đại lục đã giảm 10% trong quý gần đây nhất, ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp có doanh số sụt giảm.
Khi Tim Cook, CEO Apple, ghé qua Quán cà phê Starbucks trong một chuyến đến Trung Quốc vào năm ngoái, ông đã rút điện thoại ra để kích hoạt Apple Pay, một ứng dụng thanh toán di động có trên iPhone. Thế nhưng, Cook lại không sử dụng được vì tài khoản của ông không kết nối với UnionPay, hệ thống thanh toán giữ vị trí thống trị ở Trung Quốc. Vì không thể dùng Apple Pay, nên một người trợ lý buộc phải can thiệp và mua cà phê cho ông. Apple thường gặp những vấn đề như vậy tại Trung Quốc, một thị trường mà hãng công nghệ Mỹ này gặp nhiều gian nan khi ra sức kéo người tiêu dùng khỏi những sản phẩm giá rẻ hơn có cài đặt các ứng dụng được sử dụng rộng rãi ở trong nước như WeChat của hãng Tencent.
“Trung Quốc là một vấn đề lớn và không dễ giải quyết”, Geoff Blaber, chuyên gia phân tích tại CCS Insight, nhận xét. “Điều làm nên sự khác biệt ở Apple xưa nay luôn là nội dung và các dịch vụ tô điểm cho phần cứng sang trọng của mình. Chính sự khác biệt ấy rất khó mà biện minh ở Trung Quốc”, ông nói thêm.
Mới đây, Apple cho biết, doanh thu tại đại lục Trung Quốc đã giảm 10% trong quý gần đây nhất, quý thứ 6 liên tiếp chứng kiến doanh số bán sụt giảm. Trung Quốc cách đây 2 năm là thị trường đầy hứa hẹn nhất của Apple và dự kiến sẽ vượt qua Mỹ trở thành thị trường lớn nhất, nhưng giờ lại trở thành nỗi đau đầu lớn nhất của hãng công nghệ này. Apple cho biết khó khăn chủ yếu của Công ty là tại điểm nóng du lịch Hồng Kông (Trung Quốc). Dù vậy, theo thông tin từ Apple, tại đại lục, doanh số bán đã cải thiện trong quý gần nhất, tăng 6% sau khi đã điều chỉnh yếu tố tỉ giá.
“Chúng tôi cảm thấy rất lạc quan về tình hình kinh doanh ở Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ doanh số bán Trung Quốc sẽ tiếp tục được cải thiện trong quý kết thúc vào tháng 9 tới”, Luca Maestri, Giám đốc Tài chính Apple, cho biết vào đầu tháng này.
Thế nhưng, các chuyên gia phân tích cho rằng phần lớn doanh số bán của Apple ở Hồng Kông là cho các du khách đến từ đại lục và việc doanh số bán suy giảm là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang yếu ớt ở thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Theo họ, các đặc tính của iPhone không còn đủ để biện minh cho sự chênh lệch giá khá lớn so với các dòng điện thoại tương đương ở trong nước. Những công ty nội địa cũng áp dụng các chiến lược phân phối ráo riết hơn, càng gây sức ép cho Apple. “Trong 6-8 quý vừa qua, chúng tôi thực sự chứng kiến Apple bắt đầu thụt lùi ở Trung Quốc xét về lượng bán ra”, Ben Stanton, chuyên gia phân tích tại Canalys, nhận định.
Những vấn đề rắc rối của Apple một phần cũng là kết quả của các lựa chọn thay thế không kém cạnh ở trong nước. Sự thống trị của WeChat, vốn cho phép người sử dụng cài đặt các “ứng dụng mini” ngay trong những ứng dụng, đã mang đến một lựa chọn thay thế phiên bản thu nhỏ cho hệ điều hành iOS độc quyền của Apple. WeChat chọn ngay thời điểm kỷ niệm 10 năm của chiếc iPhone vào đầu năm nay để tung ra các ứng dụng mini và trở thành nhà cung cấp ứng dụng thay thế chính duy nhất cho App Store trên iPhone.
Cấu trúc của WeChat cho phép hầu hết các công việc thường ngày được thực hiện bên trong ứng dụng, giúp người tiêu dùng Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ mà họ muốn cho dù họ dùng iPhone hay các smartphone chạy hệ điều hành Android. Điều đó có nghĩa người sử dụng sẽ ít coi trọng hệ sinh thái của iOS gồm các ứng dụng, nội dung và dịch vụ mà chỉ tương thích với iPhone.
Một ví dụ rõ nét cho thấy sự không coi trọng này là vào giữa tháng 8 khi chiếc điện thoại của Apple bị “loại trừ” khỏi các phương tiện vận chuyển công cộng của Bắc Kinh trong khi các đối thủ Android có thể được dùng như một cổng thanh toán không tiếp xúc. Đó là bởi vì Apple giữ lại phương thức thanh toán không tiếp xúc cho ứng dụng Apple Pay của mình và không tích hợp nó với các hệ thống phổ biến khác như WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba.
Kết quả là Apple Pay bị rẻ rúng ở Trung Quốc, hiện chiếm chưa tới 1% thị trường thanh toán di động trị giá 8.800 tỉ USD của nước này (ước tính năm 2016).
Cook gặp rắc rối khi sử dụng Apple Pay ở Starbucks là bởi vì điện thoại của ông không được kết nối với UnionPay, dịch vụ thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng chủ chốt ở Trung Quốc. Đối với hầu hết các công ty, rắc rối này rất nhỏ nhặt và có thể hiểu được, nhưng đối với Apple thì không vì hãng công nghệ này xưa nay vỗ ngực tự hào rằng Công ty luôn cung cấp một trải nghiệm xuyên suốt cho người sử dụng. Do đó, sự cố trên đã cho thấy những lỗ hổng chứng tỏ hệ sinh thái của Apple hoàn toàn không bắt cùng nhịp với phần còn lại của thị trường Trung Quốc.
Tất cả những điều này chính là nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của Apple sa sút tại thị trường mà Công ty xem là chủ lực. Trong quý II/2017, Apple đã nắm giữ 8% thị phần trên thị trường smartphone của Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu Canalys. Con số này là sự thụt lùi so với thị phần 12% đạt được trong quý cuối cùng của năm 2014 và tụt lại đằng sau các nhà sản xuất điện thoại trong nước Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.
Tuy nhiên, Apple cũng đã giữ cho mình miếng bánh thị trường lớn hơn xét về doanh thu: cứ mỗi 5 USD được chi vào các thiết bị thì có xấp xỉ 1 USD chi vào thiết bị của Apple. Điều đó cũng cho thấy điện thoại Apple có giá cao hơn nhiều so với các đối thủ. Theo CK Lu, Giám đốc Nghiên cứu tại Gartner, Huawei và Apple giờ “bám sát nút” trên toàn cầu xét về lượng điện thoại bán ra. Theo ông, manh mối lớn nhất cho thấy liệu Apple có thể duy trì vị thế dẫn đầu chính là sự kiện tung ra chiếc iPhone mới sắp tới. Nó sẽ là phép thử cho thấy liệu người tiêu dùng có tiếp tục say mê những chiếc điện thoại đắt đỏ của Apple.