Guerrilla (du kích) luôn gợi lên hình ảnh của sự nổi loạn và xung đột. Khi kết hợp tính từ này với Marketing (tiếp thị), nhiều người không khỏi thắc mắc “Liệu đây có phải là hình thức đối đầu trong truyền thông không?” Câu trả lời tất nhiên là không.
Guerrilla Marketing là hình thức Inbound Marketing vô cùng độc đáo, giúp tăng mức độ nhận biết về thương hiệu tới số đông khách hàng tiềm năng, mà không gây ra bất cứ phiền phức nào cho họ.
Nguồn gốc của Guerrilla Marketing
Thuật ngữ “Guerrilla Marketing ” được tạo ra bởi nhà văn chuyên viết về đề tài kinh doanh Jay Conrad Levinson vào đầu những năm 1980. Ông đã viết cuốn sách về chiến thuật du kích trong một số lĩnh vực chuyên nghiệp. Theo đó, thuật ngữ này được lấy cảm hứng từ chiến tranh du kích bởi nó liên quan đến các chiến lược và chiến thuật nhỏ. Giống như chiến tranh du kích, Guerrilla Advertising cũng sử dụng các chiến thuật nhỏ nhưng sáng tạo trong ngành quảng cáo tiếp thị.
Theo Levinson, Guerrilla Marketing là phương thức độc đáo để tiến hành các hành động xúc tiến thương mại không dựa trên bất kỳ quy tắc nào. Trong chiến dịch Guerrilla Marketing, quảng cáo được cố tình đặt vào các đối tượng và ở những địa điểm mà người dùng không thật sự mong đợi quảng cáo được hiển thị như: đường phố, ghế đá công cộng, trạm xe bus, thanh cuốn siêu thị,… Mục tiêu của phương thức này là tạo ra yếu tố bất ngờ, khiến đối tượng được tiếp thị phải ngạc nhiên hoặc thậm chí gây sốc về thương hiệu.
Chiến dịch Guerrilla Marketing độc đáo của Công viên giải trí Hopi Hari (Brazil). Ảnh: Internet
Thân thiện với ngân sách
Guerrilla Marketing được phần lớn marketer yêu thích vì chi phí thực hiện khá thấp nhưng lại tạo được hiệu ứng mạnh mẽ đến số đông khách hàng mục tiêu. Điều cần đầu tư vào hình thức này là sự sáng tạo và trí tuệ bởi thương hiệu phải tạo ra những yếu tố bất ngờ bằng những phương cách khác biệt khiến đối tượng tiếp xúc phải ngạc nhiên và ghi nhớ về thương hiệu.
Michael Brenner – Giám đốc Điều hành tập đoàn Marketing Insider Group đặt phong cách tiếp thị này trong cùng bối cảnh với việc sử dụng lại nội dung hiện tại, ví dụ như sử dụng một số đoạn trích nhất định của một báo cáo, sau đó phát triển thành nhiều bài viết để đăng trên blog. Đó là sự đầu tư về thời gian chứ không phải là ngân sách.
Các loại hình Guerrilla Marketing
Guerrilla Marketing có thể chia thành các loại hình như sau:
Quảng bá du kích ngoài trời: Thêm một vào yếu tố độc đáo vào các môi trường đô thị đã tồn tại, ví như đặt một thứ gì đó có thể tháo rời trên bức tượng, các tác phẩm nghệ thuật tạm thời trên vỉa hè và đường phố.
McDonald tận dụng các vạch kẻ sang đường để làm Guerrilla marketing rất hiệu quả. Ảnh: Internet
Guerrilla Marketing trong nhà: Tương tự như tiếp thị du kích ngoài trời, chỉ xảy ra ở những nơi trong nhà như nhà ga, cửa hàng, và các tòa nhà trường đại học.
Sự kiện Guerrilla Marketing: Tận dụng khán giả của một sự kiện đang diễn ra, ví dụ như một buổi hòa nhạc hoặc trò chơi thể thao,.. để quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ một cách đáng chú ý, thường là không có sự cho phép của nhà tài trợ sự kiện.
Guerrilla Marketing theo trải nghiệm: Tất cả những điều trên, nhưng được thực hiện theo cách đòi hỏi công chúng phải tương tác với thương hiệu.
Có thể nói, một chiến dịch guerrilla marketing ít tốn kém có thể thu hút sự chú ý không kém gì các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình có ngân sách “khủng” lên đến hàng trăm triệu đồng, chỉ cần marketer biết bắt đầu chiến dịch đúng cách, đúng thời điểm, đúng địa điểm để lôi kéo sự quan tâm của người dùng, báo giới và truyền thông cùng tham gia.