Qua những con số hiển thị trên báo cáo định kỳ của VAMA trong tháng 7, có thể thấy thị trường ôtô trong nước tiếp tục bị sụt giảm.
Có vẻ như việc giảm giá xe nhằm thay đổi quyết định của giới tiêu dùng tại thời điểm này không phát huy được hiệu quả khi nhiều khách hàng vẫn kiên quyết chờ đến năm sau. Điều này một lần nữa cho thấy sự nhạy cảm khá cao của thị trường ôtô Việt Nam đối với những tác động liên quan đến sự thay đổi thuế suất. Sẽ còn có thêm nhiều diễn biến bất ngờ từ nay đến cuối năm nhưng ngay bây giờ đã có thể thấy số phận của dòng xe lắp ráp trong nước khá long đong bởi những đề xuất mới nhất từ các cấp quản lý liên quan đến việc giảm thuế nhập khẩu trong thời gian tới.
rước khi bước vào “tháng cô hồn”, thị trường đã ít nhiều thể hiện sự ảm đạm khi tại hầu hết các phân khúc thị trường đều có hiện tượng sụt giảm. Tổng lượng xe bán ra trong tháng 7 chỉ đạt 20.662 chiếc, giảm 16% so với tháng 6 và 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng xe lắp ráp trong nước đã giảm đi 14%, chỉ bán được 14.779 chiếc, còn xe nhập khẩu giảm nhiều hơn, đến 17% so với tháng trước (5.883 chiếc được tiêu thụ). Như vậy, dù đã nỗ lực kéo sức mua thị trường bằng hàng loạt chương trình giảm giá bán mạnh từ các thương hiệu nhưng vẫn chưa thấy được sự phản hồi khả quan từ phía giới tiêu dùng. Mặc dù có sự chậm lại về doanh số nhưng dòng xe nhập khẩu đang chờ đón một giai đoạn tăng tốc mới đầy hứa hẹn trong vài tháng tới, còn dòng xe lắp ráp trong nước lại đang đứng trước một thách thức gay cấn: Tiếp tục tăng trưởng hay dừng lại. Tổng lượng xe bán ra trong bảy tháng qua của dòng xe lắp ráp nội địa đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, trong khi dòng xe nhập khẩu vẫn giữ mức tăng 9%. Trong thời gian tới, việc duy trì ưu thế về thị phần của dòng xe lắp ráp trong nước trước làn sóng ồ ạt của dòng xe nhập khẩu sẽ vô cùng khó khăn bởi cuộc cạnh tranh sẽ tập trung hoàn toàn vào lợi thế về giá bán. Chi phí sản xuất còn quá cao chính là yếu điểm khiến dòng xe sản xuất nội địa không thể có giá bán rẻ hơn so với các mẫu xe cùng phiên bản được nhập về từ các nước trong khu vực AESAN khi mức thuế nhập khẩu chính thức về 0% trong năm 2018.
Dây chuyền lắp ráp mẫu xe i10 tại nhà máy Thành Công Hyundai
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa này, đã có nhiều đề xuất thay đổi về quy định mức thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giúp cho dòng xe sản xuất trong nước đủ sức cạnh tranh về giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, những gì mà cấp quản lý đang dự định triển khai dường như vẫn chưa đáp ứng được những gì mà các doanh nghiệp sản xuất ôtô mong muốn. Điển hình là nội dung đề xuất vừa được Bộ Tài chính nêu ra đối với việc giảm thuế nhập khẩu dành cho các linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô nhập khẩu dưới chín chỗ và xe tải dưới năm tấn có kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp cùng việc tăng mạnh mức thuế vào dòng xe nhập khẩu đã qua sử dụng vẫn chưa đáp ứng trọn vẹn những yêu cầu được nêu ra từ các nhà sản xuất ôtô trong nước. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2021, mức giảm thuế nhập khẩu dành cho một số linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam chưa thể sản xuất dành cho nhóm xe chở người dưới chín chỗ có dung tích xilanh từ 2.000cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi) có thể được giảm tới 0% nếu doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng đạt 16%/năm và tổng sản lượng lắp ráp đạt tối thiểu 234.000 xe giai đoạn 2018-2020. Theo Bộ Tài chính, việc giảm các dòng thuế cho linh kiện ôtô sẽ khuyến khích phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ thông qua việc tăng nhu cầu đối với linh kiện sản xuất trong nước. Yêu cầu cam kết về sản lượng cho từng mẫu xe gắn với tỷ lệ sản xuất trong nước phải tăng dần qua từng năm đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất linh kiện hoặc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà sản xuất ôtô trong nước thì việc giảm thuế nhập khẩu về 0% cho tất cả các linh kiện CKD được nhập khẩu bởi các nhà sản xuất ôtô từ năm 2018 mới chỉ là động thái tạo nên sự cân bằng về thuế nhập khẩu giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, chưa thể xem là sự hỗ trợ hay khuyến khích phát triển dành cho ngành sản xuất xe trong nước. Bên cạnh đó, viễn cảnh xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ tràn ngập thị trường trong năm 2018 hẳn sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất ôtô trong nước, thậm chí chỉ tiêu tổng sản lượng phải đạt trong năm tới sẽ trở thành một nhiệm vụ bất khả thi.
Trong khi xu hướng ngưng lắp ráp nội địa để chuyển sang nhập khẩu ngày một rõ nét thì những gì mà các cơ quan quản lý giúp cho việc duy trì lắp ráp xe nội địa còn quá ít ỏi khiến các nhà sản xuất ôtô trong nước cảm thấy lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Khi mà chẳng bao lâu nữa sẽ đến giờ G, con đường duy trì lợi nhuận từ sản xuất lắp ráp nội địa ngày càng hẹp thì hy vọng về việc kiến tạo một nền công nghiệp sản xuất ôtô nội địa mạnh mẽ như kỳ vọng ngày thêm xa vời. Cho dù các cấp quản lý có đáp ứng hay không đáp ứng yêu cầu của những nhà sản xuất trong nước thì tỷ lệ nội địa hóa ở ôtô sản xuất tại Việt Nam cũng không thể sớm đạt được như mục tiêu đã đề ra và ngân sách nhà nước cũng không thể nhanh chóng có một khoản thu nào đủ để bù vào sự sụt giảm mạnh nguồn thu từ thuế nhập khẩu ôtô từ năm sau. Bức tranh tăng trưởng dành cho dòng xe sản xuất trong nước cho đến thời điểm này dường như đã lộ ra nhiều mảng xám và chúng sẽ đậm màu hơn trong thời gian tới.