3 kiểu viết rập khuôn người làm content cần loại bỏ

19/02/2019    923    4.6/5 trong 5 lượt 
3 kiểu viết rập khuôn người làm content cần loại bỏ
Những từ hoặc cụm từ bị lạm dụng nhiều nhất trong content marketing là gì? Để tạo nên sự khác biệt, cần tránh những sự rập khuôn trong cách sử dụng từ ngữ.

Bạn đã làm mọi thứ để thúc đẩy mảng online marketing. Bạn biết về các thủ thuật SEO, từ việc sử dụng các từ khóa đuôi dài đến việc xây dựng sự kết nối với những người có sức ảnh hưởng. Và, có lẽ bạn cũng đang trả thêm tiền để đẩy website của mình lên top đầu trong danh sách những trang mọi người sẽ tìm kiếm về lĩnh vực bạn hoạt động.
 
Vậy thì, bạn có thể làm gì nữa để thực sự tạo nên sự khác biệt trên thị trường? Trừ khi bạn làm một thứ công việc mà không ai trên hành tinh này làm, nội dung của bạn dĩ nhiên sẽ trùng với những trang khác, ít nhất là thỉnh thoảng. Tất cả mọi người đều như vậy: viết những nội dung tương tự như những người xung quanh mình. Điều này rất bình thường, đặc biệt là trong lĩnh vực online marketing, vì phần lớn các công ty đều thuê freelancer viết nội dung cho họ.
 
Các freelancer này có thể viết nội dung trôi chảy, và nhanh nữa, nhưng họ không nhất thiết phải hiểu biết nhiều về lĩnh vực mình đang viết, dù là bất động sản, du lịch, dinh dưỡng, hay thời trang... Vì vậy, họ thường sao chép những nội dung trên các website khác và “biến hóa” nó lại bằng ngôn ngữ riêng của mình. Các cây bút trong nội bộ công ty cũng làm điều tương tự. Vấn đề là, “ngôn ngữ riêng” đó thường có xu hướng giống nhau.
 
Cần làm gì để nội dung của bạn khác biệt so với đám đông? Một cách tuyệt vời là xác định những “kiểu mẫu” quá phổ biến và tránh sử dụng chúng. Dưới đây là 3 “kiểu mẫu” như vậy, theo David Loftus – tác giả sách, biên tập viên cho khách hàng của Công ty quảng cáo & tiếp thị AudienceBloom và Công ty Sesame Communications. Bài viết được đăng trên trang Entrepreneur:
 

1. Từ nào được sử dụng nhiều nhất trên internet?
 

Bạn có biết từ nào được sử dụng nhiều nhất trên các trang web? Đó là từ “quan trọng”. Bạn thấy chúng ở mọi nơi, trong những cụm từ như “rất quan trọng để nói rằng”, “điều đó trở nên quan trọng”, “quan trọng nhất”, “đặc biệt quan trọng”, “vai trò quan trọng”, “lợi ích quan trọng”, “ra quyết định quan trọng”…
 
Có ít nhất 2 nguyên tắc khiến từ này trở thành một lựa chọn tồi:
 
- Sự lặp đi lặp lại bất cứ điều gì cũng làm suy yếu đi tác động của nó. Một từ được lặp đi lặp lại càng nhiều lần thì càng trở nên ít nổi bật.
 
- Sự khẳng định khăng khăng khiến cho mọi thứ trở nên đáng ngờ. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi có ai đó tuyên bố mạnh mẽ hơn bất kỳ người nào trong phòng về một điều gì đó? Trường hợp tốt nhất, bạn sẽ cảm thấy “Ai quan tâm chứ?”. Trường hợp xấu nhất, bạn nghi ngờ người đó sai, và họ không thể chứng minh được điều đó.
 
Bất kỳ điều gì bạn chia sẻ với người đọc cũng phải đủ hấp dẫn để bạn không phải nói rằng nó quan trọng.
 
Có một chiến lược hiệu quả hơn là, hãy chứng minh luận điểm của bạn ngay từ đầu, thay vì cố gắng thuyết phục người khác bằng cách dán nhãn cho nó là “quan trọng”. Nói cách khác là: “Đừng nói, hãy cho họ thấy”.
 
Bất kỳ điều gì bạn chia sẻ với người đọc cũng phải đủ hấp dẫn để bạn không phải nói rằng nó quan trọng. Độc giả đọc bài viết bởi vì họ muốn thấy bạn sẽ cung cấp cho họ một điều gì đó giá trị và hấp dẫn, chứ không phải vì bạn quả quyết với họ rằng nó “quan trọng”.
 
Hoặc ít nhất, bạn nên giảm số lần nhắc đến tính từ đã quá bị lạm dụng này. Vì nhiều người thậm chí sử dụng nó nhiều lần trong cùng một đoạn văn. Có nhiều tính từ khác để thay thế như: “cần thiết”, “hữu ích”, “cốt yếu”, “sống còn”… Mỗi từ dĩ nhiên mang nghĩa khác nhau, nhưng tùy thuộc vào ngữ cảnh, hầu hết chúng đều có thể thay thế cho từ “quan trọng”.
 
Đồng thời, thay vì nói “Điều quan trọng là hãy theo dõi quá trình phân tích dữ liệu”, bạn cũng có thể thử sử dụng các từ “thông minh”, “sắc bén”, “khôn ngoan”, “đáng giá”… khi đề cập đến quá trình của một hành động nào đó.
 

2. Đừng rườm rà, dư thừa
 

Để tăng số lần nhắc đến một từ nào đó trong bài viết cho website, các cây bút thường nói một điều nhiều hơn một lần. Thỉnh thoảng, một điểm nào đó cần được lặp lại, nhưng quá thường xuyên sẽ dẫn đến dư thừa.
 
Có khi người viết hoàn toàn ý thức được việc này, nhằm mục đích cho bài viết của mình đảm bảo đúng số lượng chữ theo yêu cầu. Ví dụ, trong quá trình biên tập nội dung các bài viết tiếp thị trực tuyến, một vài từ, cụm từ mà tôi đã phải cắt bỏ hoặc viết lại rất nhiều lần trong những năm qua là “các mẹo và thủ thuật”, “các nhiệm vụ và bổn phận”, “các công cụ và nguồn lực”, “sự đồng thuận”… Những cụm từ này bao gồm nhiều từ, nhằm nói đến một điều gì đó hoàn toàn có thể được mô tả trong chỉ một hoặc hai từ. Nếu bài viết chứa quá nhiều những cụm từ này, thông điệp ngầm mà độc giả có thể cảm nhận được là: “Bạn không phải để tâm nhiều đến những điều tôi đang nói, bởi vì nó chứa đựng rất nhiều thứ không cần thiết. Không phải mỗi từ đều có giá trị”.
 
Thực tế, văn viết nên có sự khác biệt so với văn nói, vì việc đọc mang tính chủ động hơn là nghe. Đặc biệt là khi sứ mệnh của bạn là hướng người đọc đưa ra hành động, chẳng hạn như kêu gọi họ trao cho bạn thông tin liên hệ của họ, hoặc muốn họ sử dụng dịch vụ của bạn.
 
Do đó, đừng lặp đi lặp lại từ ngữ. Hãy cắt giảm sự dư thừa. Hãy “rèn luyện” khả năng chú ý cho độc giả của bạn.
 

3. Loại bỏ sự rập khuôn
 

Một cách khác để “giúp” độc giả buồn ngủ là lặp lại những cụm từ và hình ảnh đã xuất hiện trong các bài viết khác. Không có gì sai trong cách làm này, nhưng khi cùng một cụm từ và hình ảnh cứ xuất hiện hết lần này đến lần khác, sự chú ý của độc giả sẽ bị phân tán.
 
Đừng lặp đi lặp lại từ ngữ. Hãy cắt giảm sự dư thừa. Hãy “rèn luyện” khả năng chú ý cho độc giả của bạn.
Nếu bạn không quan tâm đến việc làm một điều gì đó mới mẻ, tại sao độc giả phải chú ý đến bài viết của bạn nhiều hơn? Những từ ngữ rập khuôn mà tôi thường thấy nhất trên các website là: “trong thế giới kinh doanh hiện đại”, “không có gì bất ngờ”, “bây giờ là lúc để”, “khi đề cập đến”, “nó là một ý tưởng tốt để”…
 
Trong số những từ/cụm từ mang tính rập khuôn, những từ/cụm từ tệ nhất là được sử dụng nhằm áp đặt suy nghĩ của độc giả.
 
Ví dụ, có trường hợp ngay đầu bài viết đã xuất hiện cụm từ “Không thể chối cãi rằng…”. Đó là khi bạn cho rằng dĩ nhiên người đọc sẽ đồng ý ngay với bạn, và rằng bất kỳ điều gì bạn nói đến đều dĩ nhiên thu hút sự chú ý của họ. Đây là một cách khác để nói rằng “Điều này quan trọng” thay vì đề cập thẳng và thể hiện cho độc giả thấy nó là gì. Không may là, điều này có thể khiến họ nghĩ đến một trường hợp rằng có ai đó có thể đã từng phủ nhận điều bạn đang khẳng định.
 
Tương tự, khi đi đến kết luận, đừng viết “Bây giờ bạn hiểu rằng” hoặc “Bây giờ bạn bị thuyết phục”, vì điều đó có thể không phải là sự thật. Làm sao bạn biết điều gì đang diễn ra trong tâm trí độc giả? Chỉ nên nói những gì cần phải nói và hãy để cho người đọc tự quyết định điều mà họ tin tưởng hoặc đã học hỏi được từ bài viết.
 
Tôi thường thấy các cây bút dùng từ “vô số” khi họ chỉ đơn giản là đề cập đến một số lượng lớn, chẳng hạn: “Có vô số lần khi…” hoặc “vô số nghiên cứu”… Tuy nhiên về nghĩa đen, những điều đó đều hoàn toàn có thể đếm được, nếu có đủ nguồn lực. Vì vậy, sẽ khôn ngoan hơn khi tránh dùng từ “vô số”, trừ khi bạn đang muốn đề cập đến số lượng hạt cát trên bờ biển, số lượng ngôi sao trên bầu trời…. Tuy nhiên những thứ tương tự như vậy lại thường không nên xuất hiện trong một bài viết hay trong lĩnh vực kinh doanh.
Theo Brand

Liên kết: Mixer, Mua bán tự động

Bình luận