5 cách viết quảng cáo siêu ngắn - nhanh cho Copywriter bận rộn P1

26/06/2017    674    3.76/5 trong 20 lượt 
 5 cách viết quảng cáo siêu ngắn - nhanh  cho Copywriter bận rộn P1
Một Copywriter chuyên nghiệp không chỉ đảm đương cho một nhãn hàng nhất định, việc này chưa kịp xong thì việc khác cũng nhanh chóng kéo tới. Bởi vậy để trở thành một người viết hay, sáng tạo và thu hút người dùng, Copywriter phải có những công thức hay giúp bài viết trở nên hấp dẫn và tiết kiệm thời gian.

Với những anh chị và các bạn trẻ nào mong muốn làm chủ việc quảng bá trên website và mạng xã hội, quả thực chúng ta cần đến những công thức viết quảng cáo tinh gọn và linh hoạt hơn để có thể ứng dụng trong nhiều tình huống khác nhau, và đặc biệt giúp người viết có thể nhanh chóng làm ra một bài đăng hốt bạc chỉ trong vòng 5 phút. Đây chính là mục tiêu của bài chia sẻ ngày hôm nay của tôi: Xin chia sẻ cho mọi người 5 công thức siêu ngắn, đơn giản và có thể dễ dàng được tiếp thu ngay lập tức bởi những người mới làm quen với công việc viết quảng cáo.

1. Viết quảng cáo theo công thức: Hiện tại – Tương lai – Cầu nối

Đây là công thức hiện đang được ưa chuộng bởi nhiều blogger và copywriter nổi tiếng trên mạng xã hội. Bạn bắt đầu bài viết của mình bằng việc đề cập đến vấn đề mà người dùng (user) đang gặp phải: Miêu tả thế giới hiện tại của họ đang khó khăn hoặc thiếu thốn thế nào khi vấn đề đó chưa được giải quyết; sau đó, bạn vẽ nên cho họ tầm nhìn tương lai tươi đẹp, khi vấn đề được giải quyết triệt để. Bước cuối cùng chính là chỉ cho họ con đường dẫn đến tương lai tươi đẹp ấy – rồi lồng ghép sản phẩm hoặc dịch vụ của mình vào với tư cách là chìa khóa giải quyết vấn đề.

Với công thức này, bài viết quảng cáo của bạn gồm có ba phần chính theo cấu trúc như sau:

- Hiện tại: Bạn đang gặp phải khó khăn hoặc vấn đề X.

- Tương lai: Kết quả hoặc thành tích tốt đẹp mà độc giả đạt được sau khi giải quyết được vấn đề X.

- Cầu nối: Làm thế nào để giải quyết vấn đề X, tức đi từ Thực Tại đến Tương Lai – thông qua giải pháp chính là sử dụng sản phẩm được quảng cáo.

 

2. Viết quảng cáo theo công thức câu hỏi “Tại sao”

- Tại sao tôi phải chọn sản phẩm của anh (thay vì của đối thủ)?

- Tại sao tôi phải tin anh (thay vì đối thủ của anh)?

- Tại sao tôi phải mua sản phẩm đó ngay-bây-giờ (mà không phải lúc khác)?

Đây là một công thức tuy đơn giản nhưng hữu ích và thức thời: Ngày nay, người tiêu dùng có vô số sự lựa chọn khác ngoài các sản phẩm hoặc thương hiệu của chúng ta. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm của các công ty và thương hiệu ngày nay gần như tương đương nhau – thậm chí đối thủ của bạn còn có thể có tiềm lực tốt hơn bạn, nhất là khi bạn chỉ mới là một nhà khởi nghiệp. Do vậy, mẩu quảng cáo của bạn thuyết phục được người tiêu dùng hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn giải đáp 3 câu hỏi dưới đây cho họ như thế nào, bên cạnh những ưu thế về mặt kỹ thuật, giá cả và chất lượng sản phẩm mà bạn có.

3.  Nội dung theo quy tắc 4C

Khác với hai công thức trước, 4C không hẳn là một sườn bài, mà nó còn là 4 tiêu chí giúp chúng ta đảm bảo được nội dung bài viết của mình chắc chắn chiếm được lòng tin của người đọc. Dù bạn viết quảng cáo cho website hay cho báo chí, dù bạn chọn hình thức quảng cáo bằng văn viết hay bằng lời nói, độc giả tin bạn khi và chỉ khi nội dung quảng cáo của bạn đáp ứng được 4C:

CLEAR – Rõ ràng

Văn bản phải rõ ràng và tuân thủ ngữ pháp cơ bản để bất kỳ ai cũng có thể đọc và hiểu được.

CONCISE – Chính xác

Sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác để độc giả hiểu ĐÚNG thông điệp bạn đang muốn truyền đạt – rằng đây là một sản phẩm vượt trội và đáng để họ chi tiền mua ngay bây giờ. Không được để người đọc hiểu nhầm hay có cảm nhận sai lệch những gì bạn viết theo bất kỳ ý nghĩa hay cách hiểu nào khác!

 COMPELLING – Thuyết phục

Chúng ta đang viết một văn bản để thuyết phục độc giả – tức yêu cầu họ thực hiện một hành động theo ý mình muốn (cụ thể là mua sản phẩm của mình) – chứ không phải để họ đọc vui rồi thôi. Hãy đảm bảo rằng bài viết quảng cáo của bạn được trình bày từ một góc nhìn gần gũi hoặc gắn liền với vấn đề của người đọc, khơi gợi nhu cầu hoặc khao khát trong họ. Từ đó, hãy đưa ra một yêu cầu hoặc mệnh lệnh cụ thể đối với độc giả: hướng dẫn họ những việc cần làm tiếp theo để giải quyết vấn đề hoặc đáp ứng nhu cầu hoặc khao khát mà họ vừa nhận ra.

Bài viết quảng cáo (hay còn được giới quảng cáo Việt Nam gọi là viết PR) khác văn bản thông thường chính là ở những nội dung thuyết phục và kêu gọi hành động: Độc giả đọc xong và phản hồi bài viết bằng một hành động cụ thể – thay vì đọc xong rồi thôi. “Compelling” chính là linh hồn của mọi bài viết quảng cáo.

CREDIBLE – Đáng tin cậy

Không có niềm tin, sẽ không có một giao dịch mua bán nào được phép xảy ra. Những công ty hoặc tập đoàn lâu năm không gặp khó khăn gì với chữ C thứ tư này, bởi họ đã xác lập và định vị thương hiệu của mình thành công trên thị trường và đã được dân chúng biết đến từ đó đến nay. Với những nhà khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy xác lập niềm tin cho người đọc bằng cách cung cấp tên tuổi và thông tin liên lạc cụ thể của doanh nghiệp: tên công ty, địa chỉ, điện thoại liên lạc, email…

Áp dụng đúng 3 công thức trên bạn đã bước đến thành công của một bài viết quảng cáo đủ điều kiện ấn tượng, thích thú và chia sẻ. Còn 2 công thức cuối cùng mời các bạn ghé thăm phần 2 để hội tụ trọn vẹn 5 công thức viết quảng cáo siêu nhanh – gọn – dễ dàng nhé!

 

 

nghethuatcopywriting.wordpress.com

Liên kết: Mixer

Bình luận