Rất nhiều người trong chúng ta suy nghĩ đơn thuần rằng Marketing chỉ gói gọn trong việc tiếp thị sản phẩm và trưng bày sản phẩm ra trước mặt khách hàng theo cách đẹp đẽ nhất, hoành tráng nhất. Và số lượng người thất bại vì suy nghĩ ấy ngày càng “đông như quân Nguyên”.
Hãy tư duy Marketing khác biệt một tí đi các bạn ơi! Marketing không thể nào gói gọn trong việc tiếp thị được đâu và Marketing cần sự khác biệt để ghi dấu trong lòng khách hàng nữa kìa.
Marketing là gì? Doanh nghiệp của bạn đã thực sự làm Marketing chưa?
Lĩnh vực Marketing luôn là một đề tài muôn thuở và làm cho mọi doanh nghiệp phải vắt óc để tìm cách ghi dấu trong mắt khách hàng. Tuy nhiên cách hiểu về Marketing của chúng ta hiện tại đang giống như nhìn trời qua ống nhòm vậy. Có thể bạn thấy những mục tiêu ở phía xa xăm nhưng lại không thể thấy được con đường đi đến mục tiêu ấy và những phương tiện, cách thức, khó khăn trên con đường ấy.
Kết quả là chúng ta thất bại một cách khó hiểu và vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại trong mọi dự án khởi nghiệp có mục tiêu lí tưởng. Do đó, Marketing không đơn thuần và đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ; nhưng nó cũng chẳng khó khăn đến mức ngoài tầm với. Có thể sau bài viết này thì bạn sẽ có một tư duy Marketing khác biệt đấy!
Marketing là gì?
Theo định nghĩa của Wikipedia thì Marketing là quá trình nghiên cứu và quản lý các mối quan hệ giữa người mua và người bán. Mục đích của Marketing là tìm kiếm, kết nối, giữ chân và làm hài lòng những khách hàng. Trong mọi hoạt động Marketing thì khách hàng luôn là trung tâm của vũ trụ. Những phản hồi từ khách hàng là nấc thang đánh giá cho sự thành công hay thất bại của các chiến dịch Marketing và chiến lược Marketing.
Marketing là một quá trình xuyên suốt và kết hợp giữa mọi bộ phận doanh nghiệp
Theo Google dịch và khái niệm dân gian thì Marketing là tiếp thị, là quảng cáo. Có lẽ chính điều này đã làm cho chúng ta có nhìn nhận sai lệch về Marketing khi nghĩ rằng nó chỉ gói gọn trong phần quảng cáo thương hiệu và sản phẩm đến khách hàng. Còn lại những phần sau đó thì thuộc về bộ phận khác, lĩnh vực khác. Đây chính là sai lầm cốt lõi khi làm Marketing của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Ví dụ đơn giản nhất là khi tất cả các doanh nghiệp cùng ngành đều có bộ phận chạy Quảng cáo ngang tài ngang sức để thu hút rất nhiều khách hàng đến xem sản phẩm. Thì lúc này, điểm mấu chốt quyết định đến khả năng mua hàng lại rơi vào thái độ phục vụ của đội giữ xe. Và chính thái độ giữ xe cho khách hàng cũng là một phần của Marketing đấy!
Cùng nhìn lại cách làm Marketing của chúng ta
Có rất nhiều người đã hỏi mình về cách làm Marketing sao cho hiệu quả và nhanh chóng! Thì điều đầu tiên mình cần biết là bạn đã thất bại như thế nào? Cách bạn triển khai những chiến dịch Marketing như thế nào? Bạn chỉ Marketing ngoài cửa ngõ thôi hay Marketing vào tận nhà vệ sinh của cửa hàng? Và đa số đều có 1 điểm chung đó là chỉ chú trọng đến quảng cáo để lôi kéo khách hàng mà lơ là việc giữ chân và làm khách hàng hài lòng thực sự.
Chiến lược Marketing là cốt lõi của sự thành công trong kinh doanh
Lôi kéo khách hàng là điều đơn giản! Giữ chân khách hàng cũng không quá khó! Làm khách hàng hài lòng thực sự và quay trở lại cùng đồng bọn mới chính là mấu chốt thúc đẩy sự thành công của bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Chẳng hạn như trong lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng ăn uống. Bạn có thể nhanh chóng tạo ra những mẫu quảng cáo bắt mắt, giật gân và thu hút khách hàng đến cửa tiệm. Và một khi khách hàng đã đến quán ăn thì cực hiếm người không dùng sản phẩm, đây chính là lúc bạn giữ chân họ. Sâu xa hơn tí nữa, bạn và đội ngũ sẽ làm gì để khách hàng hài lòng trọn vẹn?
Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này và mỗi câu trả lời đều có lý riêng của nó. Nhưng tại sao chúng ta không phân tích nguồn gốc của sự hài lòng ấy đến từ đâu và làm khách hàng hài lòng bằng chính những nhu cầu thiết yếu của họ? Hãy xem phần tháp nhu cầu Maslow dưới đây để rèn luyện tư duy Marketing khác biệt nhé!
Tháp nhu cầu Maslow là gì? Vì sao làm Marketing lại cần đến nó?
Cho dù khách hàng của bạn là ai thì họ đều có những nhu cầu cơ bản và không thể thay thế. Công việc của bạn khi triển khai chiến lược Marketing là lấy khách hàng làm trọng tâm và làm thỏa mãn những nhu cầu của họ.
Tìm hiểu về tháp nhu cầu Maslow
Tháp nhu cầu Maslow là một mô hình tam giác thể hiện toàn bộ các nhu cầu cơ bản nhất của con người từ bản năng nhất đến lý trí nhất. Mô hình này được nhà tâm lý học Abraham Maslow công bố vào năm 1943 trong tài liệu A Theory of Human Motivation.Mô hình tháp Maslow là một trong những kiến thức cốt lõi của nghệ thuật quản trị kinh doanh, đặc biệt là quản trị Marketing.
Tư duy Marketing khác biệt dựa trên tháp Maslow
Mô hình Maslow gồm có 5 tầng từ dưới lên trên:
Tầng số 1 – Nhu cầu sinh lý gồm có hít thở, ăn uống, nơi ở, bài tiết, tình dục
Tầng số 2 – Nhu cầu an toàn gồm có an toàn thân thể, việc làm, gia đình, tài sản
Tầng số 3 – Nhu cầu yêu thương là mong muốn yêu thương /được yêu thương cùng người yêu, gia đình, bè bạn, cộng đồng
Tầng số 4 – Nhu cầu tôn trọng là khát khao được người xung quanh tôn trọng, tin tưởng
Tầng số 5 – Nhu cầu tỏa sáng là nhu cầu cao cấp nhất. Lúc này người đó sẽ muốn được thể hiện bản thân trước đám đông, muốn được cộng đồng công nhận tài năng và họ khao khát sáng tạo.
Tháp Maslow xuất hiện trong Marketing như thế nào?
Chúng ta có thể thấy rằng, mọi nhu cầu của con người đều được gói gọn trong mô hình Maslow. Do đó, đây chính là nền tảng đề chúng ta thực hiện công việc Marketing cho mọi mô hình kinh doanh, hình thức kinh doanh. Dù cho bạn bán bánh mì hay bạn bán khóa học thì hình ảnh khách hàng của bạn đều được tập hợp và hiển thị trong tháp nhu cầu Maslow.
Ví dụ như bạn bán bánh mì thì điều bạn cần làm là thỏa mãn nhu cầu ăn uống của khách hàng. Một ổ bánh mì ngon sẽ làm họ ghi nhớ xe bánh mì trong lòng. Nếu bạn có thể cho khách hàng cảm giác an toàn cho sức khỏe bằng một xe bánh mì sạch sẽ, đóng gói gọn gàng và nguyên vật liệu tươi ngon thì bạn đã tiến lên tầng 2. Hơn thế nữa, bạn giao tiếp với khách mua bằng thái độ niềm nở và vui vẻ thì bạn đã đưa họ vào tầng 3 rồi đấy. Vậy tại sao không cùng nhau vào tầng 4 bằng việc tôn trọng họ? Đơn giản thôi, một câu cảm ơn hoặc chúc họ ngon miệng là đã đủ thể hiện thành ý của người bán rồi. Chắc chắn lần sau họ sẽ quay lại!
Có lẽ bạn đang thắc mắc xem tầng 5 thì xuất hiện ở xe bánh mì như thế nào hả? Nếu lần sau họ quay lại cùng với bạn bè hoặc chở gấu đến mua thì sao? Đó chính là lúc họ đang thể hiện bản thân là người sành ăn đấy và họ muốn được đồng bọn công nhận. Nên bạn đừng đánh rơi cơ hội ở từng giai đoạn nhé!
Làm Marketing dựa trên tháp nhu cầu Maslow như thế nào?
Dù là làm bất kì điều gì thì chúng ta cũng cần có định hướng và một kế hoạch rõ ràng. Đặc biệt là khi bước vào cuộc chiến Marketing. Sau đây là một số chia sẻ về các bước tiến hành Marketing kết hợp với tháp Maslow, mong là sẽ giúp được các bạn đổi mới tư duy Marketing khác biệt!
Xác định nhóm sản phẩm mà bạn kinh doanh
Mỗi nhóm sản phẩm có nấc thang bắt đầu khác nhau trong biểu đồ Maslow. Điều này dựa vào nhu cầu đầu tiên mà khách hàng được thỏa mãn khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Ví dụ như bạn có một quán cà phê với vẻ ngoài hoành tráng và không gian trang trí đẹp tuyệt vời. Nhưng thức uống thì không ngon và nhà vệ sinh của quán lại hôi hám, dơ vãi chưởng. Chắc chắn khách hàng sẽ không quay lại quán của bạn đâu. Do đó tư duy Marketing khác biệt đôi khi đi ra từ nhà vệ sinh đấy nhé!
Hãy xem lại sản phẩm kinh doanh của bạn là gì và đặt nó vào tháp Maslow để xem nó ở đâu nhé!
Cách làm Marketing sẽ dựa trên những gì bạn đang bán
Phân tích các nhu cầu của khách hàng dựa trên tháp Maslow
Lỡ nói quán cà phê rồi nên thôi nói chi tiết luôn nhé! Chúng ta đi từ những nhu cầu thấp đến nhu cầu cao của khách hàng khi đến quán cà phê để có thể đưa ra chiến lược Marketing trọn vẹn nhất nhé!
Giai đoạn thu hút khách hàng đến quán thì mình không nói nha! Vì nó đơn giản mà. Tập trung vào việc giữ chân và làm hài lòng thượng đế thôi. Giả sử bạn đã lôi kéo thành công 1 khách hàng tìm đến quán cà phê của bạn thì hãy thử phân tích diễn biến tâm lý của họ từ lúc đọc quảng cáo tới khi uống xong ly cà phê nha
Một ngày đẹp trời, anh A thấy 1 bài quảng cáo trên Facebook giới thiệu quán cà phê XXX. Không gian quán đẹp vãi linh hồn, các món đồ ăn đồ uống trình bày thật bắt mắt và giá tiền thì không hề đắt đỏ. Vậy là nhu cầu ăn uống trỗi dậy nên anh A quyết định tối nay đến thử ngay.
Khi đến nơi thì quán đẹp còn hơn trong hình nữa. Nhưng ngặt cái là anh giữ xe đẹp trai quá, ngồi chơi Liên Quân để anh A tự xếp xe ngoài trời nắng rồi đến chỗ anh giữ xe lấy thẻ. Hơi gai rồi nha!
Lúc vào quán thì bé nhân viên lại thật niềm nở làm anh A tạm quên vụ giữ xe. Anh A kêu 1 ly cà phê sữa và 1 phần bánh để ăn tối ngắm phố phường. Mà định mệnh! Cà phê sữa mà lại có vị chua, bánh thì bột cứng mà chẳng có vị gì cả.
Lỡ vào quán rồi thôi ngồi thêm tí lướt Face vậy! Ngồi tí thì lại đau bụng mới nhọ. Vậy là anh A chạy vào nhà vệ sinh. Á đậu! Giống nhà vệ sinh trường tiểu học của xã quá vậy. Vừa hôi vừa bẩn không thở được.
Thôi lượn! Vĩnh biệt em yêu
Toàn bộ những gì tác động lên trải nghiệm của anh A đều là Marketing đấy bạn ơi! Hãy thử phân tích các nhu cầu của khách hàng khi đến với dịch vụ mà bạn đang làm đi nhé. Xem thử bạn đã làm hài lòng khách hàng đến mức nào rồi!
Chọn con đường đi vào trái tim khách hàng
Sau khi đã phân tích những gì cần làm để “tìm kiếm, kết nối, giữ chân và làm hài lòng khách hàng” thì bạn cần chọn cách để tiến hành những giai đoạn ấy. Cứ dựa vào từng giai đoạn trong phân tích để thay đổi cách vận hành và phục vụ. Mọi thứ đều bắt đầu từ tầng thứ nhất của tháp Maslow.
Đừng nghĩ rằng chỉ có bán hàng ăn hay kinh doanh khách sạn mới cần thỏa mãn nhu cầu tầng 1. Dù bạn kinh doanh khóa học hay bạn mở công ty địa ốc thì nhu cầu về ăn uống, nghỉ ngơi và bài tiết cần phải được ưu tiên thỏa mãn đầu tiên. Đặc biệt là nhu cầu bài tiết. Nghe thì có vẻ không hoa mỹ gì đâu nhưng thực tế lại là vậy.
Lời kết cho tất cả
Marketing không chỉ đơn thuần là quảng cáo để lôi kéo khách hàng, Marketing là một quá trình xuyên suốt trong mọi hoạt động của bộ máy kinh doanh. Marketing từ trong nhà vệ sinh lên đến đỉnh Olympia. Đó chính là tư duy marketing khác biệt.