Có một thực tế, ngày nay nhiều công ty tuy tuyển nhân viên marketing nhưng lại phân việc của một saleman cho họ, hoặc ngược lại, tuyển sale lại phải kiêm luôn cả marketing. Có khá nhiều người đang nhầm lẫn giữa công việc của Sale và Marketing. Vậy làm Sale là gì, làm Marketing là gì? Chúng khác nhau như thế nào?
1. Phân biệt Sale và Marketing
Hiểu một cách đơn giản, marketing là làm thị trường – tác động chủ yếu vào người tiêu dùng (consumer) để tạo ra sức kéo (pull), còn sales là bán “những gì trong kho” – tác động vào người bán hay khách hàng (customer) để tạo ra sức đẩy (push). Cả hai có chung một mục đích là giải quyết đầu ra của doanh nghiệp và đều rất quan trọng trong kinh doanh.
Sales là bán những sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn phải thương lượng về giá buôn sản phẩm, thuyết phục khách hàng mua càng nhiều hàng hóa càng tốt để thu về lợi nhuận lớn nhất có thể. Marketing là “con đường dài hơi” với khách hàng. Người làm Marketing phải thực hiện tất cả các hoạt động tiếp thị, quảng cáo để khách hàng biết đến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp.
2. Mỗi bộ phận, một nhiệm vụ khác nhau
Người làm marketing (marketer) không phải chờ đến khi có sản phẩm mới bắt đầu lên chiến lược.
Trước khi sản xuất, họ phải xác định loại hình sản phẩm, đối tượng khách hàng, giá cả ra sao? Tiếp đó, các marketer phải theo dõi quá trình sản xuất , tức là giai đoạn biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế.
Cuối cùng, sau khi hoàn thành sản phẩm, bằng mọi nỗ lực và sáng tạo, người làm thị trường đưa sản phâm đến tay người tiêu dùng. Các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, PR, tiếp thị trực tiếp được tung ra hết sức rầm rộ để người tiêu dùng biết đến sản phẩm và thương hiệu của mình. Vì thế, đây là giai đoạn quan trọng nhất.
Đến giai đoạn cuối này, các sales mới bắt đầu vào cuộc. Có thể nói, bộ phận bán hàng là lực lượng tác nghiệp cực kỳ quan trọng để thực hiện mục tiêu doanh thu của công ty. Dựa trên những chiến lược đã được marketer vạch ra, những người làm công tác kinh doanh sẽ sử dụng lời đường mật và các chiêu bài để bán được thật nhiều hàng, đem tiền về cho công ty.
Ở giai đoạn này, nếu không có bộ phận sales, dân marketing không thể biến ý tưởng thành hiện thực. Hàng không đến được tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp càng không thể chuyển hàng hóa thành tiền để thu được lợi nhuận. Thông qua lực lượng bán hàng, các kế hoạch của bộ phận marketing mới nên da nên thịt và thu về kết quả như mong muốn.
3. Hai quan điểm kinh doanh khác nhau: Nên tập trung vào bán hàng hay chú trọng làm Marketing?
a) Định nghĩa
Theo quan điểm kinh doanh tập trung vào bán hàng: Người tiêu dùng bảo thủ và thường có thái độ ngần ngại, chần chừ trong việc mua hàng. Vì vậy, việc của doanh nghiệp là cần tập trung mọi nguồn lực và sự cố gắng vào việc thúc đẩy tiêu thụ và khuyến mãi, mở thêm cửa hàng, huấn luyện đội ngũ nhân viên bán hàng biết lôi kéo và thuyết phục khách hàng vượt qua tâm lý đắn đo, chần chừ bằng bất cứ cách nào. Tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả công việc chính là việc bán được nhiều hàng và thu được nhiều tiền.
Quan điểm kinh doanh theo cách thức Marketing lại đi theo hướng ngược lại với việc xác định đúng những nhu cầu và mong muốn của thị trường mục tiêu (khách hàng) từ đó tìm mọi cách đảm bảo sự thỏa mãn nhu cầu và mong muốn đó bằng những phương thức có ưu thế hơn so với đối thủ cạnh tranh. Marketing hướng các nhà quản lý doanh nghiệp đến việc trả lời các câu hỏi:
- Liệu thị trường có cần mua hết số sản phẩm doanh nghiệp tạo ra?
- Liệu cái giá mà doanh nghiệp định bán, người tiêu dùng có đủ tiền để mua hay không?
b) Nguyên nhân
Có thể nói rằng, sự xuất hiện 2 quan điểm kinh doanh khá đối lập trên dựa trên 4 yếu tố chính: điểm xuất phát, trung tâm chú ý, các biện pháp thực hiện, và mục tiêu đạt tới của mỗi hình thức.
- Điểm xuất phát: Trong khi xuất phát điểm của việc bán hàng là tại nhà máy thì Marketing lại là thị trường mục tiêu- lấy nhu cầu và mong muốn của khách hàng làm xuất phát điểm của hoạt động kinh doanh.
- Trung tâm chú ý: trọng tâm chú ý của việc bán hàng là sản xuất ra sản phẩm theo chủ ý của nhà kinh doanh. Trái ngược lại, Marketing tập trung hoàn toàn vào việc tìm hiểu nhu cầu khách hàng.
- Các biện pháp thực hiện: hoạt động Marketing đòi hỏi sử dụng tổng hợp và phối hợp các biện pháp (marketing hỗn hợp) chứ không chỉ các biện pháp liên quan đến khâu bán hàng. Các biện pháp marketing hỗn hợp bao gồm marketing đối ngoại-marketing với khách hàng và marketing đối nội. Marketing khách hàng tức là doanh nghiệp phải tìm các cách thức để tìm ra nhu cầu của khách hàng và biến nhu cầu đó thành việc mua hàng hóa của doanh nghiệp. Marketing đối nội tức là doanh nghiệp phải làm tốt các khâu như tuyển dụng, huấn luyện, quán triệt và động viên tới mọi bộ phận, mọi nhân viên của doanh nghiệp vì một mục tiêu hoạt động chung là làm thỏa mãn nhu cầu khách hàng tốt hơn. Để tạo sự thành công cho doanh nghiệp, marketing đối nội phải đi trước marketing đối ngoại.
- Mục tiêu lợi nhuận: Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa marketing với việc bán hàng. Mục tiêu của bán hàng là tăng lợi nhuận nhờ tăng lượng bán sản phẩm. Tuy nhiên, mục tiêu của marketing mang tầm vĩ mô, hướng tăng lợi nhuận bằng cách doanh nghiệp phải làm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Marketing là phải tạo ra giá trị bằng cách cung cấp những giải pháp tốt hơn, giúp giảm bớt thời gian và sức lực cho việc tìm mua hàng của khách. Nhờ đó đưa đến cho xã hội một tiêu chuẩn sống cao hơn.