Theo số liệu nghiên cứu từ Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam, người Việt quan tâm đến thiết bị di động và sử dụng các ứng dụng di động để xem video thay vì dùng Youtube và Facebook với mức độ phổ biến ngoài dự liệu.
Ông Rohit – Giám đốc điều hành Hiệp hội Tiếp thị Di động (MMA) Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: “Có 29% dân số Việt Nam xem video trên các ứng dụng di động, và 50% trong số đó dùng các ứng dụng Việt khác để xem video, thay vì Youtube và Facebook”. Điều đó chứng minh rằng di động đã trở thành 1 phần không thể thiếu trong cuộc sống người dùng Việt Nam. Cũng đồng nghĩa rằng “đất sống” cho tiếp thị di động (
mobile marketing) ở Việt Nam là vô cùng rộng lớn.
Thực tế, mobile marketing đã được tận dụng và đầu tư nhiều hơn bởi các doanh nghiệp để đạt được doanh thu cao hơn qua việc cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng hiệu quả. Rất nhiều thương hiệu lớn ở mọi ngành hàng tiêu dùng trong các lĩnh vực điện tử như Samsung, hay thực phẩm như FrieslandCampina, Suntory Pepsico, Masan Consumer…đều đã xây dựng các chiến dịch tiếp thị cho nhãn hàng, sản phẩm theo xu hướng này.
Với xu hướng marketing tổng hợp (integrated marketing) và nhu cầu không ngừng thay đổi, MMA cũng đã nghiên cứu và đưa ra 1 bộ tài liệu bao gồm các tình huống thực tế nhằm kiểm tra cách mobile vận hành trong hệ sinh thái đa chạm (multi-touch world). Tài liệu hỗ trợ người dùng trả lời 3 câu hỏi: 1) Mobile có thể giúp brand đạt được mục tiêu marketing không? 2) Ngân sách lý tưởng để chi trả cho các chiến dịch mobile là bao nhiêu? và 3) Làm sao để chiến dịch mobile trở nên hiệu quả hơn?
Bên cạnh đó, MMA đã tìm ra được phương thức đo lường chung cho tất cả các hình thức marketing – Matt. Đây là 1 cộng đồng các chuyên gia trong ngành đã cam kết mang đến cho các marketer những công cụ đo lường hiệu quả marketing trong kinh doanh.
Sáng kiến mới nhất của Matt là giải pháp MTA – Multi-Touch Attribution, phương thức sử dụng hệ thống phân tích dữ liệu dựa trên số liệu về người tiêu dùng nhằm hỗ trợ marketer phân bổ ngân sách hợp lý cho các hình thức marketing đạt hiệu quả tối ưu. Đặc biệt, các kiến thức hữu ích về mobile marketing, trong đó có hệ thống đo lường hiệu quả của các chiến dịch marketing sẽ được mổ xẻ, thảo luận sâu hơn tại Diễn đàn MMA lần thứ 6 vào 3/11 tới đây tại Việt Nam.
Cũng theo đại diện MMA, “quyền lực” được chứng minh hiệu quả trong thực tế của ngành marketing với xu hướng mới - mobile marketing, đã thu hút sự bùng nổ của các thương hiệu lớn tham gia giải thưởng Smarties năm 2017 do Hiệp hội phát động.
Bà Phan Bích Tâm – Giám đốc MMA Việt Nam cho biết: “Năm nay, có sự xuất hiện nhiều hơn của các agency trong nước, và số lượng bài dự thi tăng vọt thêm 15% so với năm ngoái là 1 tín hiệu vô cùng tốt, thể hiện sự đầu tư nhiều hơn của doanh nghiệp vào ngành mobile marketing.” Những thương hiệu lớn, dẫn đầu về tiêu dùng trong các lĩnh vực cũng là những tên tuổi có mặt trong danh sách chung cuộc giải Smarties 2017.
Tuy nhiên, một lần nữa, các số liệu đó lại cũng cho thấy rằng, việc sử dụng mobile marketing như một công cụ cũng là sân chơi hữu dụng cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, các nhà start-up, trên thực tế, đang có những bất cập nhất định.
Vào năm ngoái, cũng theo đại diện Hiệp hội phi lợi nhuận lớn nhất trên toàn thế giới về mobile marketing, 1 tỷ dân sử dụng smartphone tại thị trường châu Á Thái Bình Dương sẽ là một lực tác động mạnh đối với xu hướng quảng cáo năm 2017. Song, tính đến trước diễn đàn MMA, chưa có một “bùng nổ” nào về tiếp thị di động xứng đáng với dự đoán. Các doanh nghiệp start-up thì vẫn đang tận dụng mobile marketing một cách “nhỏ giọt”.
Một đại diện start-up ngành thực phẩm đồ uống ở TP Hồ Chí Minh nhận định rằng: Không dễ để các DN có nguồn lực, nhân lực lẫn vật chất còn ở tình trạng “chạy thử” và bắt buộc tiết kiệm, hiện thực hóa "giấc mơ” cá nhân hóa những thông điệp tiếp thị tới từng nhóm khách hàng, bằng các sản phẩm mobile marketing mà cần sự đầu tư lớn như video. Trong khi đó, việc sử dụng SMS dường như đã không còn tỏ ra hiệu quả tác động lớn đặc biệt với nhãn hàng và thương hiệu dù chi phí “dễ chịu” hơn, bởi người dùng đã bắt đầu có “phản ứng” với các tin nhắn được xem là “rác”, qua đó, có phản ứng không phải luôn luôn tích cực với nhãn hàng. Ít kinh phí để sử dụng các agency “chạy” các chương trình tiếp thị di động cũng là một hạn chế đối với các DN nhỏ và mới bắt đầu start-up.
Anh Nguyễn Hoàng - chủ Start-up về cà phê chia sẻ anh đã phải cân nhắc khi sử dụng hình thức wifi marketing, vốn đang được áp dụng thịnh hành ở các nhà hàng, quán ăn, cà phê… khi người dùng ngược lại cũng bắt đầu cân nhắc về khả năng bị đánh cắp dữ liệu thông qua việc kích hoạt wifi từ click vào các thông tin tiếp thị của sản phẩm, dịch vụ và trả lời câu hỏi phụ...
Như vậy, mặc dù tiếp thị di động được dự đoán rất rộng đất và sẽ tiếp tục là xu hướng để các nhãn hàng, thương hiệu rút ngắn khoảng cách đến người dùng Việt Nam, khi người dùng Việt vẫn đang ở top dân số ưa chuộng smartphone hàng đầu, thì làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ và start-up sử dụng công cụ này hiệu quả, đó vẫn là bài toán chưa được giải.