Sự kiện tập đoàn tiêu dùng trực tuyến Sea của Singapore mua lại 82% cổ phần của Foody với giá 64 triệu USD cho thấy, bán thức ăn qua mạng ngày càng hấp dẫn.
Dù Foody không sở hữu bất kỳ nhà hàng nào nhưng người dùng có thể tìm kiếm thông tin, đặt món ăn của khoảng 1.000 nhà hàng khắp mọi nơi thông qua trang này. Thị trường đặt món ăn trực tuyến tại VN còn có thể kể đến những trang web được cho là chuyên nghiệp như Vietnammm.com, Chonmon.vn, Eat.vn... và một số lượng không nhỏ người bán hàng cá nhân đang gia tăng.
Chủ một website trực tuyến về du lịch tại TP.HCM kể rằng, anh mở một trang web chuyên nhận đặt hàng và giao nhận món bánh bột lọc mẹ anh tự làm tại nhà. Lúc đầu chủ yếu là tạo việc làm cho mẹ thêm vui nhưng ngày càng có nhiều khách đặt hàng nên chẳng mấy chốc, mẹ anh phải tìm thêm vài người phụ việc. Có ngày bếp phải làm khoảng 600 chiếc bánh bột lọc để bán và giao hàng qua mạng. Còn với một bạn trẻ tên Vân, trước đây mỗi năm có 2 đợt chỉ chuyên bán xoài cát Hòa Lộc ở An Giang. Nay thông qua Facebook cá nhân và trong một nhóm quen, Vân bán quanh năm, số lượng cũng lớn hơn. Với những khách hàng ở Hà Nội, Vân phải cộng thêm phụ phí 20.000 - 25.000 đồng/kg so với giá bán tại TP.HCM. Nhiều khách hàng vẫn đồng ý mua qua mạng với giá cao hơn do chi phí vận chuyển vì cho biết thà mua đắt nhưng món ăn ngon, đúng ý, hơn là mua hàng rẻ, gần nhà mà không ngon.
Đặt mua thức ăn qua mạng đang ngày càng phổ biến. Ảnh: M.P.
Thông qua những trang đặt món ăn trực tuyến, hàng loạt món ăn chơi hay món đặc sản các vùng miền từ nam chí bắc được cung cấp nhanh chóng cho người dùng. Người mua mọi lúc, mọi điểm có thể được phục vụ tận nơi với những cuốn bò bía, bánh bột lọc, gỏi khô bò, chè các loại... “Nhờ có mạng, không phải đợi có dịp đi du lịch mới được thưởng thức các món đặc sản mà mình thích. Chỉ cần đặt hàng là vài hôm sau được giao tận nơi. Tôi hay mua nhiều đặc sản vùng miền khi vào mùa như sầu riêng, bơ tận Đắk Lắk... ”, chị Ngọc, một “tín đồ” của đặt món trực tuyến chia sẻ.
Theo Báo cáo thương mại điện tử VN năm 2015 của Bộ Công thương, thực phẩm, thức ăn chiếm 33% trong khảo sát các loại hàng hóa phổ biến được mua bán qua các website thương mại điện tử (năm 2014 chỉ ở mức 19%).