Facebook, Snapchat và Twitter đang dùng thủ thuật để biến người dùng thành con nghiện?

10/07/2018    719    4.81/5 trong 10 lượt 
Facebook, Snapchat và Twitter đang dùng thủ thuật để biến người dùng thành con nghiện?
Những người trong nội bộ của thung lũng Silicon đã nói với BBC rằng các công ty công nghệ, bao gồm Facebook, Snapchat và Twitter, đang cố tình xây dựng nền tảng của họ để thúc đẩy hành vi gây nghiện.
Aza Raskin, nhà phát minh ra tính năng "cuộn vô hạn" cho phép người dùng cuộn xuống các trang web một cách vô tận, nói: "Như thể họ đang sử dụng ‘cocaine hành vi’ và rải nó khắp giao diện của bạn. Và đó là điều khiến bạn cứ thích quay trở lại mãi".

Cựu giám đốc điều hành của Jawbone và Mozilla cho biết các công ty công nghệ đã kiểm tra mọi người mọi lúc nhằm tìm ra cách tốt nhất để khiến họ nghiện, chẳng hạn như bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong màu sắc và hình dạng nút "like" của Facebook.

"Đằng sau mọi màn hình trên điện thoại của bạn, thông thường có một ngàn kỹ sư tham gia vào điều đó để cố gắng làm cho nó gây nghiện ở mức tối đa", ông nói.

Leah Pearlman, người đồng phát minh ra nút "like" của Facebook, nói với BBC rằng bản thân cô đã bị nghiện. Pearlman cũng cho biết cô không bao giờ có ý định làm cho tính năng "thích" trở nên gây nghiện.

BBC cũng đã nói chuyện với một kỹ sư Facebook tên là Sandy Parakilas, người đã rời công ty vào năm 2012 và cực kỳ chỉ trích cách tiếp cận sự riêng tư sau vụ bê bối Cambridge Analytica. Ông nói rằng "gã khổng lồ" mạng xã hội này hoàn toàn biết được rằng họ thúc đẩy hành vi gây nghiện.

"Chắc chắn họ đang ý thức được rằng sản phẩm này đang hình thành thói quen và gây nghiện", ông nói. "Họ có một mô hình kinh doanh được thiết kế để thu hút bạn và về cơ bản ‘hút’ nhiều thời gian trong cuộc sống của bạn càng nhiều càng tốt, rồi sau đó bán sự chú ý đó cho các nhà quảng cáo".

Đây không phải là lần đầu tiên một cựu giám đốc điều hành Facebook tiết lộ về chuyện nghiện. Hồi năm ngoái, cựu chủ tịch của công ty, Sean Parker, cho biết rằng mạng xã hội này đã "khai thác một lỗ hổng trong tâm lý con người". Ông tuyên bố rằng những người sáng lập và kiến tạo như mình và Mark Zuckerberg hiểu điều này nhưng "dù sao cũng đã làm nó".

Ime Archibong, phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối tác sản phẩm của Facebook, nói với BBC rằng công ty này đang điều tra xem một giao diện gây nghiện có ảnh hưởng đến con người hay không.

"Chúng tôi đang làm việc với những người thuộc bên thứ ba. Họ đang xem xét các hành vi hình thành nên thói quen - cho dù trên nền tảng của chúng tôi hay mạng internet lớn - và cố gắng hiểu xem có những yếu tố mà chúng tôi tin là đang mang lại tác hại cho mọi người hay không, để chúng tôi có thể giúp hỗ trợ những yếu tố đó và có thể đầu tư vào việc đảm bảo cho chúng an toàn theo thời gian".

Năm ngoái, Facebook thừa nhận rằng việc sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông xã hội có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tâm thần của người dân.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Facebook đã nói với Business Insider như sau:

"Những cáo buộc phát sinh trong bộ phim tài liệu Panorama của BBC là không chính xác. Facebook và Instagram được thiết kế để đưa mọi người đến gần bạn bè, gia đình và những thứ họ quan tâm hơn".

"Điều này có thể sẽ giúp bạn kết nối với những người thân yêu sống xa, hoặc tham gia một cộng đồng những người có chung sở thích hoặc hỗ trợ những trường hợp có tầm quan trọng nhất đối với mình. Mục đích này nằm ở trung tâm của mọi quyết định thiết kế mà chúng tôi thực hiện và chúng tôi không hề muốn có thứ gì đó trở thành yếu tố gây nghiện trong quá trình ấy".

Bộ phim tài liệu "Panorama" của đài BBC phát sóng tại Anh vào đêm thứ Tư, và có những cáo buộc dành cho Snapchat và Twitter, mặc dù những tài liệu quảng cáo đã không làm rõ các chi tiết cụ thể.

Snap, công ty tạo ra Snapchat, từng nói với BBC rằng họ không sử dụng các thủ thuật thị giác để làm tăng sự tham gia của người dùng.

Twitter đã từ chối đưa ra lời bình luận và Business Insider đã liên hệ với Snap để có được lời bình luận cho những cáo buộc trên của BBC.

Theo Lê Thanh Hải
Theo Trí thức trẻ/Business Insider

Liên kết: Mixer, Mua bán tự động

Bình luận